THỰC TRẠNG SỬ DỤNG VANCOMYCIN TRÊN BỆNH NHÂN CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ

Lê Bá Hải1, Hoàng Thị Minh2, Đồng Thị Xuân Phương1, Phùng Chí Kiên1, Nguyễn Thị Thu Thủy1, Lê Vân Anh2, Nguyễn Thị Thu Hương2, Đinh Thị Chi2, Phạm Thị Thúy Vân1,
1 Trường Đại học Dược Hà Nội
2 Bệnh viện Hữu Nghị

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Phân tích thực trạng sử dụng vancomycin trên bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Hữu Nghị sau khi áp dụng quy trình phê duyệt trước khi sử dụng với sự tham gia của dược sĩ lâm sàng. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu mô tả dựa trên dữ liệu thu được từ hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân cao tuổi (≥ 60 tuổi) điều trị nội trú tại Bệnh viện Hữu Nghị trong thời gian từ 01/6/2022 đến 31/5/2023 được chỉ định sử dụng vancomycin đường truyền tĩnh mạch ít nhất 24 giờ. Kết quả: Trung vị độ tuổi của 120 bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu là 82 tuổi, nam giới chiếm 75,8%. Bệnh nhân ra viện với tình trạng khỏi/ đỡ chiếm 56,7%. Vancomycin được chỉ định theo kinh nghiệm ở 70% bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định nuôi cấy vi sinh là 93,3%, trong 104 mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính, Staphylococcus aureus chiếm 26,9 %, và tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA) chiếm 23,1%. Tỷ lệ bệnh nhân được sử dụng liều nạp là 97,5%. Liều duy trì được sử dụng phổ biến nhất là 1g/24h (54,5%) và 1g/12h (30,9%). Tỷ lệ bệnh nhân xuất hiện độc tính trên thận là 7,5%. Kết luận: Các hoạt động của dược sĩ lâm sàng đã có tác động tích cực tới thực trạng sử dụng vancomycin khi tỷ lệ bệnh nhân được kê liều nạp phù hợp và xác định liều duy trì phù hợp với chức năng thận ở thời điểm khởi đầu điều trị cao. Tuy nhiên, nghiên cứu ghi nhận đa số bệnh nhân không được hiệu chỉnh liều khi chức năng thận thay đổi trong quá trình điều trị. Do đó, Bệnh viện Hữu Nghị cần đẩy mạnh hoạt động giám sát nồng độ vancomycin trong máu nhằm hướng tới cá thể hóa điều trị, đặc biệt trên quần thể bệnh nhân có độ tuổi rất cao.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế, Hướng dẫn sử dụng kháng sinh, Ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 2/3/2015 của Bộ Y tế. 2015.
2. Mạc Thị Mai (2021), "Thực trạng sử dụng vancomycin tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108", Tạp chí Y Dược lâm sàng 108, pp. 49-58.
3. Huỳnh Thị Bích Phượng (2023), Phân tích dược động học quần thể của vancomycin trên bệnh nhân cao tuổi dựa theo dữ liệu giám sát nồng độ thuốc trong máu tại Bệnh viện Thống Nhất, Luận văn thạc sĩ Dược học, Trường Đại học Dược Hà Nội.
4. Cuervo G., Gasch O., et al. (2016), "Clinical characteristics, treatment and outcomes of MRSA bacteraemia in the elderly", J Infect, 72(3), pp. 309-16.
5. Khwaja A. (2012), "KDIGO clinical practice guidelines for acute kidney injury", Nephron Clin Pract, 120(4), pp. c179-84.
6. Mao P., Peng P., et al. (2019), "Risk Factors And Clinical Outcomes Of Hospital-Acquired MRSA Infections In Chongqing, China", Infect Drug Resist, 12, pp. 3709-3717.
7. Pea F. (2018), "Pharmacokinetics and drug metabolism of antibiotics in the elderly", Expert Opin Drug Metab Toxicol, 14(10), pp. 1087-1100.
8. Rybak M. J., Le J., et al. (2020), "Therapeutic monitoring of vancomycin for serious methicillin-resistant Staphylococcus aureus infections: A revised consensus guideline and review by the American Society of Health-System Pharmacists, the Infectious Diseases Society of America, the Pediatric Infectious Diseases Society, and the Society of Infectious Diseases Pharmacists", Am J Health Syst Pharm, 77(11), pp. 835-864.
9. Tacconelli E., Pop-Vicas A. E., et al. (2006), "Increased mortality among elderly patients with meticillin-resistant Staphylococcus aureus bacteraemia", J Hosp Infect, 64(3), pp. 251-6.
10. van Hal S. J., Lodise T. P., et al. (2012), "The clinical significance of vancomycin minimum inhibitory concentration in Staphylococcus aureus infections: a systematic review and meta-analysis", Clin Infect Dis, 54(6), pp. 755-71.