CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN NGỘ ĐỘC CẤP NẶNG Ở TRẺ EM NHẬP VIỆN BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1

Nguyễn Phan Trọng Hiếu1,, Tạ Văn Trầm2, Nguyễn Đức Toàn3
1 Đại học Trà Vinh
2 Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang
3 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Ngộ độc cấp là một cấp cứu thường gặp ở trẻ em. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng tác động đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và thậm chí gây tử vong ở trẻ em. Nghiên cứu các yếu tố liên quan đến ngộ độc cấp nặng nhằm góp phần giúp nhân viên y tế chẩn đoán sớm và nâng cao chất lượng điều trị. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát các yếu tố liên quan đến mức độ nặng ở bệnh nhi ngộ độc cấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả vừa hồi cứu vừa tiến cứu trên 294 bệnh nhi ngộ độc cấp từ 6/2021 đến 6/2023 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Kết quả: Tỉ lệ ngộ độc mức độ nặng: cao nhất ở nhóm tuổi > 12 tuổi (25%), nữ cao hơn nam; mức độ nặng cao nhất ở nhóm ngộ độc do cố ý, thấp nhất là nhóm ngộ độc do không cố ý; về nguyên nhân: chất gây nghiện là nguyên nhân gây ngộ độc nặng nhiều nhất (40%), kế đến là nhóm thuốc tân dược (10,2%) và hóa chất (7,2%); Tỉ lệ mức độ nặng cao nhất trong nhóm thời gian nhập viện từ > 12 giờ và không có trường hợp nào mức độ nặng trong nhóm đến bệnh viện < 1 giờ. Kết luận: Tỉ lệ ngộ độc nặng ở trẻ em vẫn còn tương đối cao (9,5%). Vì thế, cần thận trọng trong việc bảo quản hóa chất, thuốc men, lưu ý hạn sử dụng của thuốc và sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế; không sử dụng thức ăn để lâu, không rõ nguồn gốc và lưu ý hạn sử dụng với các dạng thức ăn đóng gói hoặc đóng hộp; cần tăng cường giáo dục tác hại chất gây nghiện, quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần ở trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên để tránh các trường hợp ngộ độc do tự tử. Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến ngộ độc nặng như nhóm tuổi, hoàn cảnh ngộ độc, nguyên nhân và thời gian nhập viện. Từ đó, cần tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về các tác nhân thường gặp có thể gây ngộ độc cho trẻ, cách sơ cứu và xử trí các tình huống ngộ độc, vai trò của việc đến  ngay cơ sở y tế gần nhất khi trẻ bị ngộ độc.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Long Nary. Nhận xét tình hình ngộ độc cấp ở trẻ em tại viện Nhi Quốc gia trong 4 năm. Luận văn thạc sĩ y học. Đại học Y Hà Nội. 2002.
2. Nguyễn Tân Hùng. Nguyên Nhân Và Kết Quả Điều Trị Ngộ Độc Cấp Trẻ Em Tại Bệnh Viện Nhi Trung Ương Giai Đoạn 2017-2020. Luận văn Bác sĩ chuyên khoa cấp II. Đại học Y Hà Nội. 2020.
3. Nguyễn Thị Kim Thoa. Đặc điểm dịch tễ học và lâm sàng ngộ độc cấp trẻ em tại bệnh viện Nhi đồng I từ 1997-2001. Luận văn Bác sĩ chuyên khoa II. Đại học Y dược TPHCM. 2002.
4. Persson H E, Sjöberg G K, Haines J A, et al. Poisoning severity score. Grading of acute poisoning. J Toxicol Clin Toxicol,. 36 (3). 1998. pp 205-213.
5. Gummin, David D., Mowry J.B., Beuhler M.C., et al. 2020 Annual Report of the American Association of Poison Control Centers’ National Poison Data System (NPDS): 38th Annual Report. Clinical Toxicology. 59 (12). 2021. pp 1282-1501.
6. Peden M. O.K., Ozanne-smith J. et al. World Report on Child Injury Prevention. WHO & UNICEF. 2008. pp 123-142.