XÁC ĐỊNH CÁC THÀNH PHẦN CỦA ĐẮC KHÍ VÀ ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẮC KHÍ ĐẾN TÁC DỤNG GIẢM ĐAU NGAY SAU CHÂM TRÊN BỆNH NHÂN ĐAU THẮT LƯNG DO THOÁI HÓA CỘT SỐNG

Trương Phương Thảo1,2,, Huỳnh Tuấn Anh1
1 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
2 Bệnh viện Y học Cổ truyền Thành phố Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Châm cứu là một phần trọng yếu của Y học cổ truyền. Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố sự ủng hộ việc dùng châm cứu để điều trị và chăm sóc nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, trong đó hàng đầu là lĩnh vực giảm đau. Đắc khí là chìa khóa quan trọng để châm cứu đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, việc xác định các thành phần cảm giác của đắc khí thực sự gây khó khăn cho việc nghiên cứu vì tính chất chủ quan của nó. Do đó, hiệu quả giảm đau của châm cứu và vai trò việc tạo cảm giác đắc khí trong quá trình châm có nhiều tranh luận sôi nổi cả ủng hộ và không ủng hộ với chứng cứ khoa học cụ thể. Mục tiêu: Xác định cường độ và tần suất xuất hiện của các thành phần cảm giác đắc khí và đánh giá ảnh hưởng của đắc khí đến tác dụng giảm đau ngay sau châm. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp, đánh giá trước sau trên 45 bệnh nhân đau thắt lưng do Thoái hóa cột sống đến khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Cần Thơ từ tháng 02/2023 đến tháng 10/2023. Bệnh nhân được châm vào huyệt vùng thắt lưng, chân theo góc 90o, sâu 10-20 mm, vê xoắn kim trong khoảng từ 90-1800, nâng và hạ kim lên xuống với biên độ đều từ 0,3-0,5 cm, 1 lần/giây, 10 giây mỗi huyệt, lưu kim 20 phút. Thao tác kích thích kim như trên được lặp lại sau 7 phút và sau 15 phút để đạt được đắc khí thường xuyên và đáng kể nhất có thể. Khảo sát các thành phần cảm giác đắc khí bằng bảng câu hỏi Southampton, đánh giá cường độ đau thắt lưng bằng thang điểm Vas. Kết quả: Trong các cảm giác đắc khí thì như bị kim châm xuất hiện nhiều nhất (100% bệnh nhân). Tiếp theo là cảm giác không thoải mái (88,9%), cảm giác nặng (86,7 %), lan rộng ra (86,7 %), đau âm ỉ (77,8%), đau ở sâu (75,6%), như điện giật (66,6%), cảm giác ấm (62,2%), như đè ép (57,8%), tê châm chích (55,6%). Các thành phần cảm giác được cảm nhận rõ là nặng 1,98 ± 0,965, lan rộng ra 1,69 ± 0,848, đau âm ỉ 1,58 ± 1,011, không thoải mái 1,36 ± 0,743, đau ở sâu 1,24 ± 0,933, ấm 1,07 ± 1,009. Vas trung bình trước châm là 73,6 ± 8,861mm, sau rút kim 30 phút là 60,71 ± 9,107mm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p <0,001. Kết luận: Đắc khí được coi là một thành phần quan trọng của châm cứu bao gồm sự kết hợp của nhiều cảm giác khác nhau. Châm cứu tạo được cảm giác đắc khí có tác dụng giảm đau ngay sau châm.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

Dật Danh - bình giải, Tiến Thành - dịch (2017), Hoàng đế nội kinh Linh khu, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr. 37-565.
2. Comachio J., Oliveira C. C., Silva I. F. R., et al (2020), "Effectiveness of Manual and Electrical Acupuncture for Chronic Non-specific Low Back Pain: A Randomized Controlled Trial", J Acupunct Meridian Stud, 13(3), pp. 87-93.
3. Hawker G. A., Mian S., Kendzerska T., et al (2011), "Measures of adult pain: Visual Analog Scale for Pain (VAS Pain), Numeric Rating Scale for Pain (NRS Pain), McGill Pain Questionnaire (MPQ), Short-Form McGill Pain Questionnaire (SF-MPQ), Chronic Pain Grade Scale (CPGS), Short Form-36 Bodily Pain Scale (SF-36 BPS), and Measure of Intermittent and Constant Osteoarthritis Pain (ICOAP)", Arthritis Care Res (Hoboken), 63 Suppl 11, pp. S240-52.
4. Hui K. K., Sporko T. N., Vangel M. G., et al (2011), "Perception of Deqi by Chinese and American acupuncturists: a pilot survey", Chin Med, 6(1), p. 2.
5. Mao J. J., Farrar J. T., Armstrong K., et al (2007), "De qi: Chinese acupuncture patients' experiences and beliefs regarding acupuncture needling sensation--an exploratory survey", Acupunct Med, 25(4), pp. 158-65. (N=200).
6. White P., Bishop F., Hardy H., et al (2008), "Southampton needle sensation questionnaire: development and validation of a measure to gauge acupuncture needle sensation", J Altern Complement Med, 14(4), pp. 373-9.
7. WHO (2019), WHO global report on traditional and complemetary medicine.