TÌNH TRẠNG ĐỘT BIẾN BRAF V600E Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG DMMR TẠI BỆNH VIỆN BÌNH DÂN TỪ THÁNG 05/2021 ĐẾN THÁNG 10/2022
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Giới thiệu: Ung thư đại trực tràng chiếm hàng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn thế giới với Hội chứng Lynch (LS) là dạng có liên quan tới yếu tố di truyền thường gặp nhất. Xét nghiệm sàng lọc LS bao gồm xét nghiệm sự mất ổn định vi vệ tinh (MSI) hoặc sự biểu hiện của bốn gen sửa chữa bắt cặp sai (mismatch repair, MMR) là MLH1, MSH2, MSH6 và PMS2 nhằm định hướng việc khảo sát đột biến dòng mầm. Hiện tại, xét nghiệm đột biến BRAF V600E đã trở thành thường quy trong quản lý bệnh nhân ung thư đại trực tràng vì ít phức tạp về mặt kỹ thuật và ít tốn kém để loại những trường hợp MLH(-) do biến đổi cận gen (epigenetics). Nghiên cứu này bước đầu khảo sát tần suất của đột biến BRAF V600E trong nhóm bệnh nhân có mất biểu hiện của một hoặc nhiều gen MMR (dMMR). Kết quả gợi ý tỷ lệ những trường hợp cần khảo sát di truyền dòng mầm để chẩn đoán LS, tạo cơ sở cho việc chuẩn bị nguồn lực và tinh chỉnh cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh Việt Nam để quản lý LS. Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ của đột biến BRAF V600E trong nhóm bệnh nhân có mất biểu hiện của một hoặc nhiều gen MMR (dMMR), đồng thời khảo sát mối tương quan giữa tình trạng đột biến BRAF V600E với một số các đặc điểm của bệnh nhân và của khối bướu. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 70 mẫu mô vùi nến của bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng hiện lưu tại Khoa Giải Phẫu Bệnh, Bệnh viện Bình Dân có kết quả nhuộm hóa mô miễn các dấu ấn MLH1, PMS2, MSH2, MSH6 là dMMR (deficient DNA mismatch repair protein) từ tháng 05/2021 đến tháng 10/2022 được nhận vào nghiên cứu. Xác định đột biến BRAF V600E từ các mẫu mô này bằng kỹ thuật PCR. Dữ liệu về các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư đại trực tràng có đặc điểm dMMR được thu thập từ hồ sơ bệnh án để phân tích mối liên quan với tình trạng đột biến BRAF V600E. Kết quả: Tỷ lệ đột biến BRAF V600E ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng có đặc điểm dMMR là 16%. Không ghi nhận mối liên quan giữa BRAF V600E với các đặc điểm lâm sàng và đặc điểm của khối bướu. Tỷ lệ ung thư đại trực tràng dMMR MLH1(-) là 47%, 97% trong số đó đi kèm sự mất biểu hiện PMS2 và 100% số ca mang đột biến BRAF V600E là MLH1(-)/PMS2(-). Ở nhóm dMMR không mất biểu hiện MLH1, 80% số ca mang đột biến BRAF V600E là PMS2(-) và tỷ lệ mang đột biến BRAF V600E khác nhau có ý nghĩa giữa các phân nhóm. Kết luận: Tỷ lệ BRAF V600E là 16% ở quần thể dMMR. Ở phân nhóm MLH1(-), 100% số ca mang BRAF V600E là PMS2(-). Việc sử dụng BRAF V600E như một công cụ sàng lọc Hội chứng Lynch ở những trường hợp MLH1(-) là khả thi.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Hội chứng Lynch, mismatch repair, dMMR, BRAF V600E.
Tài liệu tham khảo
2. Giardiello, F.M., et al., Guidelines on genetic evaluation and management of Lynch syndrome: a consensus statement by the US Multi-society Task Force on colorectal cancer. Am J Gastroenterol, 2014. 109(8): p. 1159-79.
3. Arcaini, L., et al., The BRAF V600E mutation in hairy cell leukemia and other mature B-cell neoplasms. Blood, 2012. 119(1): p. 188-91.
4. French, A.J., et al., Prognostic significance of defective mismatch repair and BRAF V600E in patients with colon cancer. Clin Cancer Res, 2008. 14(11): p. 3408-15.
5. Lee, C.T., et al., Clinicopathological features of mismatch repair protein expression patterns in colorectal cancer. Pathol Res Pract, 2021. 217: p. 153288.
6. Lin, C.H., et al., Molecular profile and copy number analysis of sporadic colorectal cancer in Taiwan. J Biomed Sci, 2011. 18(1): p. 36.