ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG, NGUYÊN NHÂN VÀ KẾT CỤC CỦA NGƯỜI BỆNH NGƯNG TIM NGOẠI VIỆN TẠI KHOA CẤP CỨU BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Viết Hậu1,, Tăng Tuấn Phong1, Nguyễn Quốc Huy1, Nguyễn Khánh Dương1, Nguyễn Anh Kiệt1, Đặng Kim Ngân1, Nguyễn Xuân Vinh1, Nguyễn Hoàng Duy1, Ngô Thanh Trí1
1 Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Ngưng tim ngoại viện (Out-of-hospital cardiac arrest – OHCA) là một trong những tình trạng nghiêm trọng trong thực hành y khoa. Tỉ lệ sống sót và tái lập tuần hoàn tự nhiên (Return of spontaneous circulation - ROSC) còn thấp. Việc xác định đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân và kết cục trên nhóm người bệnh này sẽ góp phần cung cấp thông tin rõ hơn về thực trạng ngưng tim xảy ra bên ngoài bệnh viện từ đó có thêm thông tin, dữ liệu lâm sàng giúp cho việc điều trị người bệnh (NB) được tốt hơn. Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân và kết cục của NB OHCA. Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: Cắt ngang mô tả, hồi cứu ở NB OHCA không do chấn thương có độ tuổi từ 18 trở lên, nhập viện tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả: Từ 01/12/2021 đến 30/08/2024 có 93 NB ngưng tim ngoại viện, độ tuổi trung bình là 66,86 ± 15,9. Khó thở là triệu chứng phổ biến được ghi nhận trước ngưng tim (66,3%). Có 90,3% NB ghi nhận có bệnh mạn tính từ trước. NB OHCA có người chứng kiến chiếm 89,24% và trong nghiên cứu không ghi nhận trường hợp nào được hồi sinh tim phổi (cardiopulmonary resuscitation - CPR) bởi người chứng kiến. Nơi xảy ra ngưng tim thường gặp nhất là trên xe cá nhân lúc vận chuyển NB đến bệnh viện. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngưng tim (44,08%). Nghiên cứu chúng tôi ghi nhận tỉ lệ ROSC chiếm gần 57%, trong khi NB tỉnh táo đến lúc xuất viện chiếm 9,68%. Nghiên cứu còn ghi nhận điểm cắt thời gian từ lúc ngưng tim đến khi được CPR (No-flow: NF) là 15 phút với AUC: 0,597 (CI 95%: 0,455-0,738) và thời gian CPR (Low-flow: LF) là 36 phút với AUC: 0,929 (CI 95%: 0,869-0,989) cho khả năng có ROSC tốt nhất. Kết luận: Ngưng tim đa phần xảy ra trên xe cá nhân lúc NB được đưa đến bệnh viện, nghiên cứu không ghi nhận trường hợp nào được CPR bởi người chứng kiến. Ngưng tim do nguyên nhân tim mạch chiếm hàng đầu. Tỉ lệ cứu sống còn thấp. CPR sớm là chìa khóa quan trọng để cải thiện kết cục người bệnh, trong đó chúng tôi ghi nhận điểm cắt thời gian NF là 15 phút và điểm cắt thời gian LF là 36 phút có ảnh hưởng tiên lượng của người bệnh.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. American Heart Association. What is Cardiac Arrest? Accessed October 30, 2024. https://www.heart.org/en/health-topics/cardiac-arrest/about-cardiac-arrest
2. Berdowski J, Berg RA, Tijssen JG, Koster RW. Global incidences of out-of-hospital cardiac arrest and survival rates: Systematic review of 67 prospective studies. Resuscitation. Nov 2010; 81(11): 1479-87.doi: 10.1016/ j.resuscitation.2010.08.006
3. Jacobs I, Nadkarni V, Bahr J, et al. Cardiac arrest and cardiopulmonary resuscitation outcome reports: update and simplification of the Utstein templates for resuscitation registries: a statement for healthcare professionals from a task force of the International Liaison Committee on Resuscitation (American Heart Association, European Resuscitation Council, Australian Resuscitation Council, New Zealand Resuscitation Council, Heart and Stroke Foundation of Canada, InterAmerican Heart Foundation, Resuscitation Councils of Southern Africa). Circulation. Nov 23 2004;110(21):3385-97. doi:10.1161/01.CIR.0000147236.85306.15
4. Hoàng Bùi Hải, Vũ Đình Hùng, Đỗ Ngọc Sơn, và cộng sự, Kết quả khảo sát ngừng tuần hoàn ngoại viện không do chấn thương tại bốn bệnh viện ở Hà Nội theo mẫu Utstein. Tạp chí Nghiên cứu Y học. 2020;134(10):8-15.
5. Đặng Đức Hoàn, Tô Văn Hải, Mai Mạnh Tam, và cộng sự Nhận xét về cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Thanh Nhàn. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam. 2014;66
6. Đỗ Quốc Huy, Huỳnh Ngọc Hớn, Phạm Ngọc Huy Tuấn, và cộng sự Nghiên cứu tình hình ngưng tim trước khi nhập viện đến khoa Cấp cứu bệnh viện cấp cứu Trưng Vương 2013-2014. Hội Hồi sức cấp cứu thành phố Hồ Chi Minh. 2014;
7. Lương Văn Sinh. Đặc điểm bệnh nhân ngừng tim ngừng thở trước nhập viện tại khoa cấp cứu BV quận Tân Phú. Tạp chí Y học Việt Nam. 2017;
8. Ong ME, Shin SD, De Souza NN, et al. Outcomes for out-of-hospital cardiac arrests across 7 countries in Asia: The Pan Asian Resuscitation Outcomes Study (PAROS). Resuscitation. Nov 2015; 96:100-8. doi: 10.1016/j.resuscitation.2015.07.026
9. Lê Bảo Huy , Nguyễn Thị Thu Hương , Trần Thị Luận , và cộng sự Nhận xét tình hình cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp trước khi vào viện tại khoa cấp cứu bệnh viện Thống Nhất (2015). Y Học Tp Hồ Chí Minh. 2015;19(5): 197-204.
10. Đỗ Ngọc Sơn Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện nhập khoa Cấp Cứu- Bệnh viện Bạch Mai. Tạp chí Y học Việt Nam. 2016;440
11. Yan L, Wang L, Zhou L, et al. Factors predicting the return of spontaneous circulation rate of cardiopulmonary resuscitation in China: Development and evaluation of predictive nomogram. Heliyon. Aug 30 2024; 10(16): e35903. doi: 10.1016/ j.heliyon.2024 .e35903