ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, HÌNH ẢNH CẮT LỚP VI TÍNH VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO KÍN Ở TRẺ EM

Nguyễn Văn Chiến1,2,, Kiều Đình Hùng1,3
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Nhi Thái Bình
3 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Nhận xét đặc điểm lâm sàng, hình ảnh CLVT và kết quả điều trị của 52 trường hợp được điều trị bằng phẫu thuật do chấn thương sọ não kín ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung Ương. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 52 trường hợp chấn thương sọ não kín trong độ tuổi ≤15 tuổi được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật từ 1/2023 đến 1/2024 tại khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Nhi Trung Ương. Kết quả: Tuổi trung bình là 5,56±3, nhóm tuổi hay gặp nhất là từ 1-6 tuổi (65,4%). Tỷ lệ nam/nữ là 1/1. Nguyên nhân hay gặp nhất là tai nạn giao thông (53,9%). Đa số vào viện với điểm GCS ≥8 điểm. Phần lớn các bệnh nhi không có dấu hiệu thần kinh khu trú (78,8%) và không có dấu hiệu thần kinh thực vật (76,9%). Đa số các bệnh nhi chỉ có chấn thương sọ não đơn thuần. Tổn thương chủ yếu trên CLVT là vỡ xương sọ với 92,3%. Hình thái các loại tổn thương phía trong xương sọ gặp nhiều nhất là máu tụ ngoài màng cứng (75%), tiếp đến là máu tụ dưới màng cứng (26,9%). Thời gian nằm viện trung bình là 11,83±11,9 ngày. 83,3% bệnh nhi ra viện có điểm GCS là 13-15 điểm. Sau ít nhất 3 tháng có 67,4% bệnh nhi phục hồi hoàn toàn, 11,5% có di chứng nhẹ, 11,5% có di chứng nặng, 2 bệnh nhi sống thực vật và 3 bệnh nhi tử vong. Một số yếu tố liên quan đến kết quả điều trị bao gồm: điểm Glasgow trước phẫu thuật, có hay không có biểu hiện di lệch đường giữa, dấu hiệu phù não lan tỏa, chèn ép bể đáy, tụt kẹt nhu mô não trên phim chụp CLVT với mức ý nghĩa p<0,05. Kết luận: Lứa tuổi 1-6 gặp nhiều nhất, nguyên nhân chủ yếu do tai nạn giao thông. Triệu chứng lâm sàng khi vào viện thường không điển hình. Biểu hiện trên CLVT đa phần là vỡ xương sọ và máu tụ ngoài màng cứng. Phẫu thuật là phương pháp mang lại kết quả điều trị tương đối tốt. Điểm GCS lúc vào viện hay các dấu hiệu trên CLVT như di lệch đường giữa, phù não, chèn ép bể đáy, tụt kẹt não có liên quan đến kết quả điều trị.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Chaitanya K, Addanki A, Karambelkar R, Ranjan R, Traumatic brain injury in Indian children, Child's nervous system: ChNS:official journal of the International Society for Pediatric Neurosurgery, Jun 2018;34(6):1119-1123.
2. Nguyễn Việt Thắng, Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị máu tụ trong sọ ở trẻ nhỏ do chấn thương sọ não, Luận văn thạc sỹ y học, 2018:Đại học Y Hà Nội.
3. Satapathy MC, Dash D, Mishra SS, Tripathy SR, Nath PC, Jena SP, Spectrum and outcome of traumatic brain injury in children <15 years:A tertiary level experience in India,International journal of critical illness and injury science, Jan-Mar 2016;6(1):16-20.
4. Nguyễn Thanh Vân, Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng xử trí sớm máu tụ ngoài màng cứng cấp tính ở trẻ em do chấn thương sọ não kín, Luận văn chuyên khoa cấp II,Đại học Y Hà nội, 2002.
5. Jacobs B, Beems T, van der Vliet TM, Borm GF, Vos PE, The status of the fourth ventricle and ambient cisterns predict outcome in moderate and severe traumatic brain injury, Journal of neurotrauma, Feb2010;27(2):331-40.