ĐẶC ĐIỂM BỆNH LÝ VÕNG MẠC Ở TRẺ SINH NON ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1

Phạm Thanh Liêm1,, Nguyễn Đức Toàn2,3, Nguyễn Thị Ngọc Anh3, Nguyễn Kiến Mậu3
1 Bệnh viện Nhân Dân Gia Định
2 Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
3 Bệnh viện Nhi Đồng 1

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non là một rối loạn phát triển võng mạc ở trẻ sinh non do sự phát triển của võng mạc bắt nguồn từ thần kinh thị giác trong quá trình mang thai không hoàn chỉnh cùng với sự non nớt của võng mạc. Điều trị ROP hiện nay tại Việt Nam cũng đang áp dụng các phương pháp hiện đại trên thế giới. Biết được đặc điểm bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non giúp ích rất nhiều trong thực hành lâm sàng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán và điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh non tháng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả loạt ca từ 11/2023 đến 5/2024 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Kết quả: Nghiên cứu khảo sát trên 176 trẻ được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Bệnh thường được phát hiện ở thời điểm 44 ngày tuổi (34,0-64,5) với tỷ lệ nam/nữ xấp xỉ 1/1. Tuổi thai nhỏ nhất của mẫu nghiên cứu là 24 tuần, lớn nhất là 34 tuần với trung vị là 29 tuần (27-30). Cân nặng lúc sinh nhỏ nhất trong nghiên cứu là 600 gam, lớn nhất là 2300 gam với trung vị là 1100 gam (950-1375). Trẻ có các tình trạng như suy hô hấp (100%), sử dụng surfactant (90,9%), thở FiO2 ≥40% (89,8%), truyền chế phẩm máu (76,1%), viêm phổi (88,6%), vàng da (69,3%), nhiễm trùng huyết (60,8%), thiếu máu (63,1%), và tim bẩm sinh (51,7%), ngoài ra còn có một số tình trạng như tiền căn viêm ruột (23,9%), bệnh phổi mạn (11,4%) và viêm màng não (1,7%). Với tỷ lệ mắc ROP nặng trước điều trị ở mức cao, thể AP-ROP (19,9%) và plus disease (65,3%). Phương pháp điều trị chủ yếu là tiêm nội nhãn anti-VEGF (96,6%) với tỷ lệ đáp ứng điều trị cao (98,3%) và ít biến chứng (4,0%). Kết luận: Bệnh lý võng mạc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở trẻ em, thường gặp ở trẻ sơ sinh non tháng và những trẻ có cân nặng lúc sinh thấp. Phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay là tiêm nội nhãn anti-VEGF, có tỷ lệ đáp ứng điều trị cao và ít biến chứng hơn so với phương pháp laser quang đông trước đây.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

Anh Hà Ngọc Phương. Tỷ lệ biến chứng sau 6 tháng điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sanh non bằng laser quang đông tại khoa sơ sinh bệnh viện Nhi Đồng 1, Luận văn bác sĩ nội trú - ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1. 2017.
2. Hương Tô Vũ Thiên, Thu Trần Thị Hoài, Mậu Nguyễn Kiến, Tâm Phạm Thị Thanh. Tỷ lệ mắc bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non nhập viện vào khu chuyên sâu Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1,Tạp chí Y Học TP. Hồ Chí Minh,2016. (2),43 - 47.
3. Toàn Phan Đình. Đặc điểm lâm sàng bệnh võng mạc trẻ đẻ non hình thái nặng và kết quả ban đầu điều trị bằng tiêm Avastin nội nhãn, Luận văn thạc sĩ y học. ĐH Y Hà Nội. 2012.
4. Lad E. M., Nguyen T. C., Morton J. M. Moshfeghi D. M. Retinopathy of prematurity in the United States,Br J Ophthalmol,2008. 92 (3),320-5.
5. Mintz-Hittner H. A., Kennedy K. A. Chuang A. Z. Efficacy of intravitreal bevacizumab for stage 3+ retinopathy of prematurity,N Engl J Med,2011. 364(7),603-15.