ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT U TUYẾN CẬN GIÁP

Thị Phương Bùi 1,, Quang Trung Nguyễn 1
1 Trường Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá kết quả phẫu thuật u tuyến cận giáp. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả chùm bệnh. Đối tượng: 15 bệnh nhân được chẩn đoán và phẫu thuật cắt u tuyến cận giáp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả: Tỷ lệ nữ/ nam: 1,14/1, tuổi trung bình 53,47 ± 12,21. Lý do khám bệnh chủ yếu là đi khám sức khỏe định kỳ. Triệu chứng lâm sàng hay gặp là mệt mỏi (10/15 bệnh nhân), biểu hiện trên xương thận vẫn còn gặp với tỷ lệ cao như đau xương (7/15), đau thắt lưng (2/15), ngoài ra có các triệu chứng không đặc hiệu khác như chán ăn, khát nước, mất ngủ. Có 9/15 bệnh nhân có tiền sử sỏi tiết niệu. Nồng độ trung bình của PTH là 31.69 ± 16.39 pmol/l, canxi toàn phần 3,05 ± 0,43 mmol/l và canxi ion hóa 1,62 ± 0,22mmol/l. Có 10/15 bệnh nhân siêu âm phát hiện ra u. Xạ hình phát hiện được 7/11 bệnh nhân. CT được tiến hành ở 1 bệnh nhân và phát hiện ra khối u. MRI được thực hiện ở 1 bệnh nhân tuy nhiên cho kết quả âm tính. 3 bệnh nhân được tiến hành lấy máu tĩnh mạch chọn lọc định lượng hormon tuyến cận giáp và xác định được u. Tất cả 15 bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt tuyến cận giáp xâm lấn tối thiểu. Kết quả 15/15 bệnh nhân có 1 khối u, chủ yếu ở tuyến cận giáp dưới. PTH sau lấy u 20 phút giảm > 50% với mức giảm trung bình là 86,04 ± 5,52%. Thời gian phẫu thuật trung bình là 61,33 ± 8,12phút. Kích thước khối u chủ yếu nằm trong khoảng 1-2 cm. Không có biến chứng trong và sau phẫu thuật ở tất cả 15 bệnh nhân. Theo dõi sau 6 tháng tất cả bệnh nhân có nồng độ canxi ion, canxi toàn phần, PTH máu trong giới hạn bình thường. Kết luận: Nghiên cứu cho thấy bệnh u tuyến cận giáp có triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, biểu hiện ở nhiều cơ quan, dễ bỏ sót chẩn đoán. Chẩn đoán xác định hội chứng cường cận giáp nguyên phát dựa vào xét nghiệm PTH và canxi máu tăng. Có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí u, trong đó siêu âm và xạ hình là 2 phương pháp thường được sử dụng. Khi các phương pháp không xâm lấn không có kết quả, lấy máu tĩnh mạch chọn lọc định lượng hormone tuyến cận giáp được thực hiện. Phẫu thuật đem lại kết quả tốt, đặc biệt phương pháp cắt tuyến cận giáp xâm lấn tối thiểu đạt tỷ lệ thành công cao, thời gian ngắn và ít gây ra biến chứng.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Yeh MW., Ituarte PHG., Zhou HC. et al (2013). Incidence and prevalence of primary hyperparathyroidism in a racially mixed population. J Clin Endocrinol Metab, 98(3), 1122-1129.
2. Liu JM., Natalie E., Barbara C. et al (2013), Primary Hyperparathyroidism: A Tale of Two Cities Revisited — New York and Shanghai. Bone Research, 2, 162-169
3. Yadav SK., Johri G., Bichoo RA. et al (2020). Primary hyperparathyroidism in developing world: a systematic review on the changing clinical profile of the disease. Arch Endocrinol Metab, 64, 105-110.
4. Malabu UH. (2007), Primary Hyperparathyroidism in Saudi Arabia: A Review of 46 Cases. Med J Malasia, 62(5), 4.
5. Paruk IM., Esterhuizen TM., Maharaj S. et al (2013). Characteristics, management and outcome of primary hyperparathyroidism in South Africa: a single-centre experience. Postgrad Med J, 89(1057), 626-631.
6. Pradeep PV., Jayashree B., Mishra A. (2011). Systematic Review of Primary Hyperparathyroidism in India: The Past, Present, and the Future Trends. Int J Endocrinol, 2011, e921814.
7. Ikuno M., Yamada T., Shinjo. (2018), Selective venous sampling supports localization of adenoma in primary hyperparathyroidism. Acta Radiol Open, 7(2).
8. Yazici P., Mihmanli M., Aygun N. et al (2015). Location of Parathyroid Adenomas in Primary Hyperparathyroidism: Where to look? World J Endocr Surg, 7, 1-5.
9. Jinih M., O’Connell E., O’Leary DP. ( 2017). Focused Versus Bilateral Parathyroid Exploration for Primary Hyperparathyroidism: A Systematic Review and Meta-analysis. Ann Surg Oncol, 24(7), 1924-1934.