THỰC TRẠNG KHÁNG KHÁNG SINH CỦA VI KHUẨN GRAM ÂM GÂY NHIỄM KHUẨN HUYẾT TẠI BỆNH VIỆN UNG BƯỚU NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2020-2024
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Nhiễm khuẩn huyết (NKH) là một bệnh lý nhiễm khuẩn toàn thân nặng thường gặp trong lâm sàng với căn nguyên gây bệnh chính là các vi khuẩn gram âm. Việc giám sát thường xuyên căn nguyên gây bệnh và mức độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn góp phần giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả thực trạng trạng kháng kháng sinh (KKS) của vi khuẩn gram âm gây NKH tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, giai đoạn 2020-2024. Đối tượng, phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 187 bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định NKH có kết quả cấy máu dương tính với các vi khuẩn gram âm trong giai đoạn từ 1/2020 - 6/2024. Kết quả: Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 61,8 tuổi, nam giới chiếm đa số (72,7%). Số ngày điều trị trung bình là 18,5 ngày. Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền kèm theo, thường gặp là ung thư (87,7%) viêm gan/ xơ gan (25,1%). Tác nhân gây bệnh thường gặp là E. coli (48,1%) và K. pneumoniae (22,5%). Có 60% số chủng E.coli được phân lập sinh ESBL, tỷ lệ sinh ESBL ở K. pneumoniae là 28,6%. Các vi khuẩn được phân lập kháng phần lớn các kháng sinh được thử ở các mức độ khác nhau, vi khuẩn sinh ESBL kháng cao hơn rõ rệt so với các vi khuẩn không sinh ESBL. E. coli kháng cao nhất với Amplicillin (93,3%), kháng thấp nhất với Imipenem (3,3%), Ertapenem (3,3%). K. pneumonia kháng cao nhất với Amplicillin (95,2%), kháng thấp nhất với Imipenem (9,5%). P. aeruginosa và A. baumannii chưa ghi nhận trường hợp kháng colistin. E. coli có tỷ lệ đa kháng cao nhất với 88,9% là MDR, 26,7% là XDR và 3,3% là PDR. P. aeruginosa có tỷ lệ non-MDR cao nhất với 76,9%. Tỷ lệ PDR cao nhất ở vi khuẩn A. baumannii với 23,1%, tiếp theo là Enterobacter spp với tỷ lệ 15,4%. Kết luận: Các tác nhân gây đề kháng cao hoặc kháng một phần với các kháng sinh được thử nghiệm. Tình trạng vi khuẩn sinh ESBL với tỷ lệ cao, đặc biệt là sự xuất hiện của các chủng đa kháng đặt ra thách thức lớn trong điều trị cho người bệnh và cho thấy nhu cầu cấp thiết đối với các loại kháng sinh mới và cần cải thiện các chương trình quản lý kháng sinh và nâng cao hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Nhiễm khuẩn huyết, kháng kháng sinh; vi khuẩn gram âm; ESBL.
Tài liệu tham khảo

2. Dat VQ et al (2017). Bacterial bloodstream infections in a tertiary infectious diseases hospital in Northern Vietnam: aetiology, drug resistance, and treatment outcome. BMC Infect Dis;17(1):493.

3. Quế Anh Trâm, Ngô Thị Phương Oanh (2023). Nghiên cứu đặc điểm kháng kháng sinh của các vi khuẩn gram âm gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An năm 2022. Tạp Chí Học Việt Nam; 530(1).

4. Đinh Thị Thúy Hà (2021). Phân tích tình hình sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn gram âm đa kháng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tạp Chí Học Việt Nam;501(1).

5. Diekema et al (2019). The Microbiology of Bloodstream Infection: 20-Year Trends from the SENTRY Antimicrobial Surveillance Program. Antimicrob Agents Chemother;63(7):e00355-19.

6. Phạm Văn Huy, Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Phương Mai và cộng sự (2021). Thực trạng sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Gram âm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2020. Tạp chí Y dược lâm sàng 108; 16(DB11).

7. Nguyễn Thị Hải, Lê Văn Hưng, Hoàng Vũ Lượng và cộng sự (2023). Tình hình đa kháng kháng sinh của vi khuẩn gram âm gây nhiễm khuẩn huyết tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Tạp Chí Học Việt Nam;527(2).

8. Magiorakos et al (2012). Multidrug-resistant, extensively drug-resistant and pandrug-resistant bacteria: an international expert proposal for interim standard definitions for acquired resistance. Clin Microbiol Infect Off Publ Eur Soc Clin Microbiol Infect Dis;18(3).
