TỶ LỆ HIỆN MẮC HỘI CHỨNG CỔ RÙA Ở SINH VIÊN TỪ 18-23 TUỔI CÓ SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Thị Diệp1,, Hoàng Thị Kim Phượng1, Lê Thị Thạch Thảo1, Lê Thị Huỳnh Như1, Phạm Xuân Hiệp1
1 Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu: “Hội chứng cổ rùa đang là đại dịch của thời điện thoại di động”, thời mà giới trẻ có thể ăn, uống, ngủ, nghỉ để “vùi đầu” vào điện thoại. Google scholar cho biết có tới hơn 4 triệu kết quả tìm kiếm về vấn đề này, mặc dù đây là hội chứng mới của thế kỷ 21. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đang sử dụng điện thoại theo các tư thế không tốt, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến đường cong sinh lý cũng như cấu trúc cột sống cột sống cổ. Nhiều nghiên cứu cho biết có tới 90% số người bị ảnh hưởng bởi điện thoại và thiết bị điện tử đến các vấn đề về cơ xương liên quan đến cổ. Bên cạnh đó, áp lực mà cột sống cổ đang phải chịu khi sử dụng điện thoại ở tư thế không đúng là rất lớn. Tại Việt Nam, theo thống kê của Statista cho biết số người sử dụng điện thoại thông minh được công bố năm 2022 là 69,2 triệu người chiếm 97,6%. Đây là một vấn đề mới đang leo thang nhanh chóng trong lĩnh vực y tế nhưng có rất ít thông tin về tương lai cho hội chứng này ở nước ta. Việc thực hiện nghiên cứu góp phần đưa ra được những bằng chứng hỗ trợ công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe cho sinh viên và các nhà Vật lý trị liệu có thể xây dựng chương trình tập luyện, nâng cao nhận thức về cổ rùa đang tồn tại, để phát triển các bước phòng ngừa thoái hóa cột sống và cải thiện tư thế, giảm các triệu chứng cho vấn đề này. Nghiên cứu cũng mang lại điều kiện thuận lợi, giúp cho các bạn sinh viên nhận biết sự ảnh hưởng của hội chứng, nhằm tìm kiếm thông tin để quản lý tư thế của mình khi sử dụng điện thoại, tránh nguy cơ dẫn đến cổ rùa gây ra những bất lợi trong học tập, công việc và thẩm mỹ cá nhân của mỗi người. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ hiện mắc hội chứng cổ rùa ở sinh viên từ 18-23 tuổi tại TP HCM năm 2024. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả trên 425 các bạn sinh viên đang học tại TP.HCM từ độ tuổi 18-23 đồng ý tham gia nghiên cứu và có sử dụng điện thoại. Nghiên cứu được thực hiện tại 5 trường Đại học, Cao đẳng trong TP.HCM bao gồm Trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng, Trường Đại Học Gia Định, Trường Đại Học Văn Hóa TP.HCM, Trường Đại Học Nông Lâm, Trường Cao Đẳng Kinh Tế TP.HCM từ tháng 12/2023 đến tháng 04/2024. Kết quả: Dựa vào kết quả nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ hiện mắc Hội chứng cổ rùa khi xét mắc cả 3 triệu chứng điển hình (đau cổ, đau đầu, trọng tâm đầu ra trước) là 46,6%. Bên cạnh đó, khi xét về tỷ lệ hiện mắc các triệu chứng điển hình của Hội chứng cổ rùa ở nghiên cứu này lại cao hơn so với những nghiên cứu khác. Cụ thể, dựa vào chỉ số khiếm khuyết cổ (NDI)  để xác định 2 yếu tố đau đầu và đau cổ thì kết quả cho thấy trong 425 sinh viên tham  gia vào nghiên cứu thì triệu chứng đau đầu có tới 365 sinh viên gặp phải chiếm tỷ lệ  85,9% và đau cổ là 318 sinh viên chiếm tỷ lệ 74,8%. Kết luận: Như vậy, tỷ lệ hiện mắc Hội chứng cổ rùa ở các nước là tương đồng nhau, và tăng theo thời  gian nghiên cứu. Trong đó nghiên cứu này có thể có độ tin cậy cao bởi vì nghiên cứu trước đó chỉ đánh giá triệu chứng cổ rùa qua chỉ số NDI và khảo sát cho đối tượng tham gia nghiên cứu tự trả lời cảm nhận về tư thế đầu của mình hiện tại. Nghiên cứu này đã đánh giá số đo trọng tâm đầu để ghi nhận triệu chứng điển hình của Hội chứng cổ rùa và xử lý số đo bằng phần mềm Kinovea. Tỷ lệ hiện mắc Hội chứng cổ rùa ở độ tuổi sinh viên đang tăng cao, cứ 10 người thì sẽ có 4-5 người có nguy cơ mắc hội chứng này. Và cứ 10 người thì có tới 7-8  người mắc các triệu chứng điển hình của Hội chứng cổ rùa như đau đầu, đau mỏi cổ vai gáy và có trọng tâm đầu ra khỏi đường giữa. Dựa vào kết quả nghiên cứu trong tương lai cần có những chương trình giáo dục, phòng ngừa cho các bạn sinh viên khi đề phòng mắc Hội chứng cổ rùa và giảm bớt triệu chứng đau cổ vai gáy và các triệu chứng do Hội chứng cổ rùa gây ra.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. J. I. Irudayaraj, "Text neck syndrome in undergraduate health science students from a university in the Western Cape: A crosssectional study," 2022.
2. D. David, C. Giannini, F. Chiarelli, and A. Mohn, "Text neck syndrome in children and adolescents," International journal of environmental research and public health, vol. 18, no. 4, p. 1565, 2021.
3. I. Fiebert, F. Kistner, C. Gissendanner, and C. DaSilva, "Text neck: An adverse postural phenomenon," Work, vol. 69, no. 4, pp. 1261-1270, 2021.
4. A. SAl Miaraj and I. Bhat, "Prevalence of Text Neck Syndrome and Its Association with Mobile Phone Usage Among University Academic Staff," Int J Phys Med Rehabil, vol. 9, no. 10, 2021.
5. S. Lee, H. Kang, and G. Shin, "Head flexion angle while using a smartphone," Ergonomics, vol. 58, no. 2, pp. 220-226, 2015.
6. K. T. Alsiwed, R. M. Alsarwani, S. A. Alshaikh, R. A. Howaidi, A. J. Aljahdali, and M. M. Bassi, "The prevalence of text neck syndrome and its association with smartphone use among medical students in Jeddah, Saudi Arabia," Journal of Musculoskeletal Surgery and Research, vol. 5, no. 4, pp. 266-272, 2021.
7. F. Sarraf, S. Abbasi, and S. Varmazyar, "Self-management exercises intervention on text neck syndrome among university students using smartphones," Pain Management Nursing, vol. 24, no. 6, pp. 595-602, 2023.