TÌNH TRẠNG THIẾU MÁU Ở BỆNH NHÂN LỌC MÁU CHU KỲ CÓ SỬ DỤNG THUỐC TẠO MÁU TẠI BỆNH VIỆN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG – ĐIỀU TRỊ BỆNH NGHỀ NGHIỆP
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Thiếu máu là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ, chủ yếu do giảm sản xuất erythropoietin (EPO) nội sinh. Hiện nay, liệu pháp bổ sung EPO tái tổ hợp kết hợp với sắt đường tĩnh mạch là phương pháp điều trị chính nhằm duy trì nồng độ hemoglobin (Hb) trong ngưỡng mục tiêu. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lọc máu chu kỳ vẫn không đạt được Hb mục tiêu mặc dù đã tuân thủ điều trị. Nghiên cứu được thực nhằm cung cấp những thông tin liên quan đến tình trạng thiếu máu cũng như các yếu tố dẫn đến thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn cần lọc máu chu kì. Mục tiêu: 1. Xác định tỷ lệ thiếu máu và tỷ lệ không đạt hemoglobin mục tiêu ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ có sử dụng thuốc tạo máu. 2. So sánh một số đặc điểm giữa hai nhóm thiếu máu và không thiếu máu ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ có sử dụng thuốc tạo máu. 3. Xác định các yếu tố dự đoán độc lập đến thiếu máu ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ có sử dụng thuốc tạo máu. Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang. Đối tượng tham gia nghiên cứu gồm bệnh nhân lọc máu chu kỳ có sử dụng thuốc tạo máu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả: Tỷ lệ thiếu máu ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ có sử dụng thuốc tạo máu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp là 82,1 %. Có 23,2% bệnh nhân lọc máu chu kỳ đang điều trị với thuốc tạo máu không đạt mục tiêu Hb. Nam giới có tỷ lệ thiếu máu cao hơn nữ giới (p=0,005) và tập trung nhiều nhất trong độ tuổi từ 40-59 (p=0,010). Tình trạng thiếu máu xuất hiện nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân mắc đái tháo đường (p=0,036), độ bão hòa transferrin trong máu thấp (p=0,005), tần suất dùng thuốc tạo máu nhiều lần trong tuần (p<0,001) và liều điều trị thuốc tạo máu càng cao (p<0,001). Các yếu tố dự đoán độc lập đến thiếu máu ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ có sử dụng thuốc tạo máu gồm: nam giới (OR: 1,56; KTC 95% OR 1,25 - 8,08; p=0,03) và liều điều trị thuốc tạo máu (OR: 1,03; KTC 95% OR: 1,01 - 1,05; p= 0,008), với nguy cơ thiếu máu tăng lên 1,03 lần cho mỗi 1 IU/kg/tuần liều thuốc điều trị tạo máu. Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh thận mạn đang được lọc máu chu kỳ không đạt Hb mục tiêu dù đã được điều trị với thuốc tạo máu là tương đối đáng kể. Cần có chiến lược quản lý phù hợp hơn với các đối tượng nguy cơ cao như nam giới, dùng liều cao thuốc tạo máu.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Thiếu máu, bệnh thận mạn, lọc máu chu kỳ, thuốc tạo máu
Tài liệu tham khảo

2. Huỳnh Trinh Trí, Lữ Công Trung, Mã Lan Thanh và cộng sự. Đánh giá các yếu tố gây kém đáp ứng điều trị erythropoietin ở bệnh nhân suy thận mạn đang chạy thận nhân tạo. Kỷ yếu Hội Nghị Khoa học Bệnh viện An Giang. 2013;10:87-93.

3. Nguyễn Thị Hồng Loan, Phan Hướng Dương. Một số chỉ số huyết học và sinh hóa máu của người bệnh suy thận mạn lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên năm 2018. Tạp chí Dinh dưỡng và thực phẩm. 2020;16(5):46-54.

4. Do Thi Hoa, Nguyen Thi Tuyet Trinh, Nguyen Thi Lien Huong, et al. Evaluation of the usage of erythropoietin in patients with end-stage chronic kidney disease dialysis cycle in Hanoi Nephrology Hospital. VNU Journal of Science: Medical and Pharmaceutical Sciences. 2020;36(1).

5. Ifudu O, Uribarri J, Rajwani I, et al. Gender modulates responsiveness to recombinant erythropoietin. American Journal of Kidney Diseases. Sep 2001;38(3):518-22.

6. Improving Global Outcomes (KDIGO) Anemia Work Group. KDIGO clinical practice guideline for anemia in chronic kidney disease. Kidney International, Supplement. 2012;2:279–335.

7. Johnson DW, Pollock CA, Macdougall IC. Erythropoiesis-stimulating agent hyporesponsiveness. Nephrology (Carlton, Vic). Aug 2007;12(4):321-30.

8. Kammerer J, Ratican M, Elzein H, Mapes D. Anemia in CKD: prevalence, diagnosis, and treatment. Case study of the anemic patient. Nephrology Nursing Journal. 2002 Aug;29(4):371-4.

9. Loutradis C, Skodra A, Georgianos P, et al. Diabetes mellitus increases the prevalence of anemia in patients with chronic kidney disease: A nested case-control study. World Journal of Nephrology. 2016;5(4):358-66.
