CHẨN ĐOÁN TRƯỚC SINH VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ SỚM THOÁT VỊ CUỐNG RỐN BẨM SINH

Trần Thị Hoa1,, Đỗ Thị Trà1
1 Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu: Thoát vị cuống rốn (TVCR) là một khuyết tật của đường giữa thành bụng, trong đó các tạng trong ổ bụng bị thoát vị ra ngoài ổ bụng qua vòng rốn không khép kín. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm chẩn đoán trước sinh, triệu chứng lâm sàng và nhận xét kết quả điều trị sớm của trẻ bị TVCR. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả loạt ca bệnh 40 trẻ bị TVCR đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ 01/01/2017 đến 31/08/2023. Kết quả: Phân bố giới tính nam/nữ là 2,1/1, trẻ sinh đủ tháng chiếm 85%. 90% trẻ được phát hiện TVCR qua siêu âm trước sinh, tuổi thai trung bình khi phát hiện là 15,9 ± 6,6 tuần. Khối thoát vị chủ yếu chứa ruột (97,5%) và gan (52,5%), 77,5% trẻ có kích thước khối thoát vị ≥ 5 cm. 12,5% trẻ có dị tật phối hợp, chủ yếu là dị tật tim bẩm sinh. Tỷ lệ điều trị bảo tồn ở nhóm có khối thoát vị ≥ 5cm cao hơn so với nhóm < 5cm (89,5% so với 10,5%). Việc chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước khối thoát vị, tuổi thai, cân nặng, và các dị tật phối hợp. Tạng thoát vị chứa dạ dày ở nhóm bảo tồn cao hơn đáng kể so với nhóm phẫu thuật. Trẻ điều trị bằng phẫu thuật 1 thì có tỷ lệ sống 90,9%, phẫu thuật 2 là 37,5%, trong khi điều trị bảo tồn là 68,4%. Kết quả điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước khối thoát vị, dị tật phối hợp và tình trạng sức khỏe của trẻ. Tỷ lệ tử vong là 40%. Tỷ lệ sống sót có liên quan đến cân nặng khi sinh, nhu cầu hồi sức và hỗ trợ hô hấp sau đẻ. Kết luận: Đa số trẻ mắc TVCR được phát hiện sớm và có khối thoát vị lớn. Khối thoát vị chủ yếu chứa ruột non và gan. Tỷ lệ sống sau điều trị cao, nhưng nguy cơ tử vong tăng lên ở trẻ nhẹ cân và cần hỗ trợ hồi sức, oxy sau sinh.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Lê Đức Toàn. Khảo sát đặc điểm lâm sàng và dị tật phối hợp của thoát vị cuống rốn. Luận văn thạc sĩ y học, Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018.
2. Conner P, Vejde JH, Burgos CM. Accuracy and impact of prenatal diagnosis in infants with omphalocele. Pediatr Surg Int. 2018;34(6):629-633.
3. Marshall J, Salemi JL, Tanner JP, et al. Prevalence, Correlates, and Outcomes of Omphalocele in the United States, 1995–2005. Obstet Gynecol. 2015;126(2):284-293.
4. Prefumo F, Izzi C. Fetal abdominal wall defects. Best Pract Res Clin Obstet Gynaecol. 2014;28(3):391-402.
5. Sriworarak R, Suthiwongsing A, Ratanasuwan T, et al. Clinical Outcomes of Omphalocele: An Analysis of 124 Patients. 2010;31(2).
6. Tarca E, Aprodu S. Past and present in omphalocele treatment in Romania. Chirurgia (Bucur). 2014;109: 507-513.