ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG CÁC TRƯỜNG HỢP CHỬA TẠI SẸO MỔ LẤY THAI ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ BẰNG PHẪU THUẬT TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TRUNG ƯƠNG

Lê Hoàng Minh1, Phạm Thị Thanh Hiền1, Nguyễn Thái Giang1,
1 Trường Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của các trường hợp chửa tại sẹo mổ lấy thai được điều trị bằng phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Phương pháp: Mô tả hồi cứu. Kết quả: Có tổng số 45 trường hợp thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn của nghiên cứu. Trong đó, tuổi trung bình của bệnh nhân là 35,98±5,2 (Max: 46 tuổi, Min: 25 tuổi). Có 29/45 trường hợp mổ lấy thai từ 2 lần trở lên (64,4%) và 29/45 trường hợp có nạo/hút thai trước đây (64,4%). Triệu chứng chậm kinh hay gặp nhất với 40/45 trường hợp (88,9%), ra máu âm đạo bất thường có ở 30/45 trường hợp (66,7%) và đau bụng hạ vị xuất hiện ở 8/45 trường hợp (17,8%). Tuổi thai trung bình là 8,3±1,7 tuần (Max:12 tuần 3 ngày, Min: 5 tuần). Tuổi thai trên 7 tuần chiếm đa số (60%). Có 26/45 trường hợp có hoạt động tim thai (57,8%). Có 39/45 trường hợp bánh rau có xu hướng phát triển về mặt trước tử cung (86,7%). Hình ảnh khối chửa có tăng sinh mạch nhiều chiếm 93,3%, khối chửa liên quan gần tới bó mạch tử cung 2 bên chiếm 53,3%. Độ dày lớp cơ tử cung còn lại tại vị trí vết mổ lấy thai trung bình là 1,996±1,48 mm (Min: 0,3mm, Max: 6mm). Số trường hợp độ dày lớp cơ tử cung còn lại ≤ 2mm là 30/45 trường hợp (66,7%). Nồng độ βhCG trước điều trị trung bình là 78781,5±56885,6 IU/l (Max:  220508 IU/l, Min: 47,14 IU/l). Có 19/45 trường hợp có nồng độ βhCG trước điều trị > 100000 IU/l (42,2%). Kết luận: Đa số bệnh nhân mổ lấy thai từ 2 lần trở lên và có tiền sử từng nạo/hút thai. Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất là chậm kinh kết hợp với ra máu âm đạo bất thường. Phần lớn các trường hợp có hoạt động tim thai. Các đặc điểm cận lâm sàng như: xu hướng bánh rau phát triển ra mặt trước tử cung, khối thai có sự tăng sinh mạch, khối thai liên quan gần với bó mạch tử cung 2 bên, độ dày lớp cơ tử cung còn lại tại vị trí sẹo mổ mỏng đều chiếm đa số các trường hợp trong nghiên cứu. Nồng độ βhCG trước điều trị > 100000 IU/l chiếm đa số. Siêu âm qua đầu dò âm đạo và xét nghiệm định lượng nồng độ βhCG trước điều trị có giá trị trong việc chẩn đoán xác định và tiên lượng bệnh.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Diêm Thị Thanh Thủy, “Nghiên cứu chửa sẹo mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội”, Trường Đại học Y Hà Nội (2013).
2. Đinh Quốc Hưng , “Nghiên cứu chửa ở sẹo mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương”, Luận văn bác sỹ chuyên khoa II, Trường đại học Y Hà Nội (2011).
3. Nguyễn Quảng Bắc, Vũ Ngân Hà, “Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng các trường hợp chửa sẹo mổ lấy thai được phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương”, Tạp chí Y học Việt Nam tập 503, số 1, (2021): Tr 211-214.
4. Lê Thị Anh Đào, Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Mạnh Trí. "nhận xét kết quả điều trị chửa trên sẹo mổ lấy thai tại bệnh viện phụ sản hà nội năm 2019-2020." Tạp chí Y Dược học Cần Thơ số 46 (2022): Tr 105-111.
5. Rotas M.A, Haberman S, Levgur M. “Cesarean scar ectopic pregnancies: etiology, diagnosis, and management”. Obstetrics & Gynecology. (2007); 107(6): pg 1373-81.