ĐIỀU TRỊ DUY TRÌ BẰNG OLAPARIB Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG TIẾN XA MỚI CHẨN ĐOÁN

Trí Hiếu Phạm 1,, Văn Thắng Nguyễn 1, Thị Thanh Huyền Trần 2
1 Bệnh viện Phụ sản Trung Ương
2 Trung tâm công nghệ cao – Bệnh viện Vinmec

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Hầu hết phụ nữ ung thư buồng trứng (UTBT) giai đoạn tiến xa mới chẩn đoán, sau khi điều trị chuẩn bằng phẫu thuật và hóa trị liệu có chứa Platinum sẽ tái phát trong 3 năm đầu. Olaparib là thuốc ức chế enzym poly (adenosine diphosphate–ribose) polymerase, có hiệu quả tốt trong điều trị ung thư buồng trứng tái phát, nhưng lợi ích của Olaparib trong điều trị duy trì đối với các trường hợp mới được chẩn đoán chưa được chứng minh. Phương pháp: Thử nghiệm lâm sàng pha 3, đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, nhằm đánh giá hiệu quả của Olaparib như một liệu pháp duy trì ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn III – IV theo FIGO; gồm các thể: ung thư biểu mô thanh dịch hoặc ung thư dạng nội mạc tử cung, độ ác tính cao, ung thư phúc mạc nguyên phát, ung thư vòi tử cung (hoặc các dạng kết hợp), với đột biến ở gen BRCA1, BRCA2 hoặc cả hai; đã có đáp ứng lâm sàng hoàn toàn hoặc một phần sau khi hóa trị liệu bằng hóa trị có chứa Platinum. Các bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên, theo tỷ lệ 2:1, được uống Olaparib (300mg hai lần mỗi ngày) hoặc giả dược. Tiêu chí chính của nghiên cứu là sống thêm bệnh không tiến triển (PFS). Kết quả: Trong số 391 bệnh nhân, sau chọn ngẫu nhiên có 260 người được chỉ định nhận Olaparib và 131 nhận giả dược. Tổng cộng 388 bệnh nhân có đột biến gen BRCA1/2 dạng di truyền (germline) và 2 bệnh nhân đột biến dạng mắc phải (somatic) được xác nhận bởi phòng xét nghiệm trung tâm. Sau khi theo dõi trung vị 41 tháng, nguy cơ bệnh tiến triển hoặc tử vong ở nhóm dùng Olaparib thấp hơn 70% so với giả dược; tỷ số nguy cơ (HR) bệnh tiến triển hoặc tử vong là 0,30; CI 95% [0,23 – 0,41], p < 0,001). Các biến cố ngoại ý phù hợp với độc tính đã biết của Olaparib. Kết luận: Điều trị duy trì bằng Olaparib giúp cải thiện đáng kể thời gian sống thêm bệnh không tiến triển ở phụ nữ ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa mới chẩn đoán, có đột biến gen BRCA1/2; làm giảm 70% nguy cơ tiến triển bệnh hoặc tử vong so với với giả dược.

Chi tiết bài viết