SO SÁNH KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ CAN THIỆP LẤY HUYẾT KHỐI CƠ HỌC BẰNG HAI PHƯƠNG PHÁP DÙNG STENTRIEVER VÀ DÙNG ỐNG HÚT HUYẾT KHỐI Ở BỆNH NHÂN NHỒI MÁU NÃO CẤP TÍNH

Ngọc Hoà Nguyễn 1,, Thanh Long Nguyễn 1
1 Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, tỉnh Nghệ An

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề:  Tái thông mạch máu não là một trong những phương pháp điều trị có tính đột phá trong điều trị nhồi máu não cấp tính. Cùng với sự phát triển của các dụng cụ lấy huyết khối, các phương pháp lấy huyết khối ngày càng có nhiều tiến bộ. Hai phương pháp lấy huyết khối phổ biến hiện nay là dùng stentriever và dùng ống hút. Nghiên cứu nhằm so sánh hiệu quả và tính an toàn của hai phương pháp này trong can thiệp lấy huyết khối cơ học (LHK) ở bệnh nhân nhồi máu não (NMN) cấp tính. Đối tượng và phương pháp. 101 bệnh nhân NMN cấp tính do tắc các động mạch (ĐM) lớn thuộc tuần hoàn trước và tuần hoàn sau của não, được chia thành 2 nhóm: nhóm dùng stentriever (n = 68) và nhóm dùng ống hút (n = 33). Phương pháp nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Kết quả. Thời gian bắt đầu - kết thúc can thiệp ở nhóm dùng ống hút là 71,1 phút, ngắn hơn có ý nghĩa thống kê so với 133,8 phút ở nhóm dùng stentriever. Không có sự khác biệt về tỷ lệ tái thông tốt sau can thiệp (TICI 2b-3) giữa nhóm dùng stentriever và nhóm dùng ống hút, lần lượt là 77,9% và 78,8 %. Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi tốt (mRS 0-2) ở ngày 90 không khác biệt giữa hai nhóm stentriever (55,9%) và ống hút (66,7%). Xuất huyết nội sọ (XHNS) xảy ra ở 22/68 (32,4%) bệnh nhân nhóm dùng stentriever, 9/33 (27,3%) bệnh nhân nhóm dùng ống hút. Tỷ lệ tử vong ở ngày 90 của nhóm dùng stentriever và nhóm dùng ống hút lần lượt là 17,6% và 18,2%, khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Kết luận. Lấy huyết khối cơ học bằng phương pháp dùng ống hút có hiệu quả và tính an toàn tương đương với phương pháp dùng stentriever, nhưng thời gian can thiệp ngắn hơn đáng kể ở nhóm dùng ống hút.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Anh Nhị và Phạm Nguyên Bình. Đánh giá tính an toàn và hiệu quả phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học solitaire ở bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, Y học TP. Hồ Chí Minh. 2014;18:473-478.
2. Đào Việt Phương. Nghiên cứu điều trị tắc động mạch lớn hệ tuần hoàn trước trong 6 giờ đầu bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch kết hợp với lấy huyết khối cơ học, Luận án Tiến sĩ, Đại học Y Hà Nội, 2019.
3. Berkhemer O. A. et al. A randomized trial of intraarterial treatment for acute ischemic stroke", N Engl J Med. 2015;372(1): 11-20.
4. Campbell B. C. et al. "Endovascular therapy for ischemic stroke with perfusion-imaging selection", N Engl J Med. 2015;372(11): 1009-18.
5. Jankowitz B. et al. "Primary manual aspiration thrombectomy (MAT) for acute ischemic stroke: safety, feasibility and outcomes in 112 consecutive patients", J Neurointerv Surg. 2015;7(1): 27-31
6. Powers W. J. et al. Guidelines for the Early Management of Patients With Acute Ischemic Stroke: 2019 Update to the 2018 Guidelines for the Early Management of Acute Ischemic Stroke: A Guideline for Healthcare Professionals From the American Heart Association/American Stroke, Stroke. 50(12).
7. Yang P. et al. Endovascular Thrombectomy with or without Intravenous Alteplase in Acute Stroke", New England Journal of Medicine 2020; 382(21): 1981-1993