KHẢO SÁT TỶ LỆ TỬ VONG KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN TẠI KHOA CẤP CỨU BỆNH VIỆN NHÂN DÂN GIA ĐỊNH

Chí Công Mai 1,, Tường Anh Phan 1, Anh Kiệt Vũ 1, Hồng Thu Trần 2, Thị Thu Sương Nguyễn 3
1 Bệnh viện Nhân dân Gia Định
2 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.Hồ Chí Minh
3 Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu – Mục tiêu: Bệnh nhân tử vong được xác định bằng chết sinh học: ngừng thở, ngừng tim; kết quả điện tâm đồ và điện não đồ thể hiện bằng đường thẳng đẳng điện đã được ít nhất hai bác sĩ khám và kết luận. Nhưng trên thực tế, rất khó xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân, nhất là tại Khoa Cấp cứu khi các bác sĩ chỉ tiếp xúc với bệnh nhân trong thời gian ngắn; đôi khi việc triển khai các kỹ thuật cận lâm sàng và hỗ trợ chẩn đoán chưa được thực hiện hoặc triển khai còn hạn chế, bệnh nhân đã tử vong. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm giúp xác định tỷ lệ tử vong không rõ nguyên nhân nhập khoa Cấp cứu từ đó có các giải pháp để cải tiến vấn đề này. Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện với việc thu thập 418 hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân tử vong trong hai năm 2019, 2020 tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Dữ liệu được mô tả bằng tần số, tỷ lệ phần trăm; trung bình, độ lệch chuẩn hoặc trung vị, tứ phân vị đối với các biến số có phân phối không bình thường, p <0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê. Kết quả: Tuổi trung bình của bệnh nhân là 58,8 ± 21,3 trong đó tỷ lệ nam:nữ là 2:1. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong không rõ nguyên nhân chiếm 13%, nhóm có chẩn đoán nghi ngờ (40,6%) và nhóm có chẩn đoán xác định (46,4%). Việc xác định nguyên nhân tử vong có liên quan đến tuổi của bệnh nhân, người đưa bệnh nhân vào bệnh viện, nơi bệnh nhân được phát hiện và tiền căn của bệnh nhân. Kết luận: Việc xác định nguyên nhân gây tử vong vẫn còn gặp khó khăn tại khoa Cấp cứu. Việc khai thác các nội dung nơi bệnh nhân được phát hiện tử vong, tiền sử gia đình góp phần xác định nguyên nhân tử vong.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Cầm Bá Thức (2015). Tình hình tử vong tại Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương từ năm 2009 đến năm 2014. Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương: Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở.
2. Đặng Trúc Lan Trinh, Trần Thị Uyên Linh, et al (2009). Nhận xét đặc điểm các trường hợp ngưng tim ngoài bệnh viện, hồi sức không thành công tại khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định từ tháng 02/2008 - 12/2008. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh. 13(6):311-8.
3. Mai Xuân Hiên, Bùi Văn Mạnh, et al (2018). Đánh giá tình hình tử vong trước viện trong 5 năm (từ năm 2013 đến năm 2017) tại bệnh viện Quân Y 103. Tạp chí Dược học Quân sự. 9(4):64-8.
4. Alexander K Rowe (2006). Analysis of deaths with an unknown cause in epidemiologic analyses of mortality burden. Trop Med Int Health. 11(4): 540-50.
5. Burkholder TW, Hill K, et al (2019). Developing emergency care systems: a human rights-based approach. Bull World Health Organ. 97(9):612-9.
6. Friberg N, Ljungberg O, et al (2019). Cause of death and significant disease found at autopsy. Virchows Archiv. 475(6):781-8.
7. Gurger M, Turkoglu A, et al (2014). Sudden Suspected Death in Emergency Department: Autopsy Results. Turkish Journal of Emergency Medicine. 14(3):115-20.
8. Shoenberger JM, Yeghiazarian S, et al (2013). Death notification in the emergency department: survivors and physicians. West J Emerg Med. 14(2):181-5.