ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ GIẢM ĐAU ĐA MÔ THỨC TRÊN SẢN PHỤ MỔ LẤY THAI TẠI BỆNH VIỆN SẢN-NHI TỈNH QUẢNG NGÃI
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Giảm đau sau phẫu thuật lấy thai (PTLT) liên quan đến sự hài lòng của sản phụ đặc biệt là giảm đau đa mô thức bằng morphin tủy sống kết hợp paracetamol truyền tĩnh mạch và diclofenac đặt hậu môn sau PTLT. Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi cũng đã sử dụng phương pháp này trong một thời gian dài, tuy nhiên chưa có đề tài nghiên cứu đánh giá hiệu quả thực sự của giảm đau đa mô thức trên sản phụ phẫu thuật lấy thai tại bệnh viện. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả giảm đau cho Sản phụ. Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá hiệu quả giảm đau morphin tủy sống kết hợp paracetamol truyền tĩnh mạch và diclofenac đặt hậu môn sau phẫu thuật lấy thai. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, can thiệp lâm sàng có so sánh 02 nhóm là Nhóm M: Gây tê tủy sống bupivacaine 0,5 % 8 mg, fentanyl 20 mcg, phối hợp 100mcg morphin. Nhóm F: Gây tê tủy sống bupivacain 0,5% 8 mg, fentanyl 20 mcg. Sau phẫu thuật lấy thai cả 2 nhóm được sử dụng: paracetamol 1g/100 ml truyền TM giờ thứ 4 và giờ thứ 16; diclofenac 100 mg đặt hậu môn giờ thứ 10 trên sản phụ được gây tê tủy sống (GTTS) để PTLT tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 04/2020 đến 09/2021. Kết quả: Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của sản phụ: Chỉ định PTLT vì vết mổ cũ chiếm tỉ lệ cao; nhóm M 46,6%, nhóm F 45%; nguyên nhân phẫu thuật do đường sinh dục (chuyển dạ không tiến triển, thai to, bất xứng đầu chậu) chiếm tỉ lệ 30% ở nhóm M và 18,3% ở nhóm F. Tuổi thai trung bình ở 2 nhóm M và F lần lượt là 38,7 ±0,93 và 39 ± 0,94. Đặc điểm sinh hiệu trước và trong phẫu thuật giữa 2 nhóm tương đương nhau. Thay đổi về tổng phân tích tế bào máu và sinh hóa giữa 2 nhóm trong giới hạn bình thường và không có sự khác biệt, có ý nghĩa thống kê. Hiệu quả giảm đau: Hiệu quả giảm đau trong phẫu thuật giữa 2 nhóm có sự khác biệt. Nhóm M có hiệu quả giảm đau tốt, đạt 96,7%; khá là 3,3%. Nhóm F, hiệu quả giảm đau tốt là 86,7%. Trong 2 giờ đầu sau phẫu thuật điểm đau VAS trung bình khi nghỉ ngơi và vận động đều nhỏ hơn 1. Điểm đau VAS trung bình khi nghỉ ngơi và vận động từ giờ thứ 2 tới giờ thứ 24 ở nhóm M nhỏ hơn nhóm F. Thời gian duy trì điểm đau VAS bằng 0 ở nhóm M kéo dài hơn nhóm F có ý nghĩa thống kê. Ở nhóm M điểm đau VAS bằng 0 kéo dài 118,33 ± 39,10 phút. Đa số các sản phụ đều hài lòng về chất lượng giảm đau ở mức tốt và rất tốt. Kết luận: Giảm đau đa mô thức kết hợp morphin tủy sống, paracetamol truyền tĩnh mạch và diclofenac đặt hậu môn mang lại hiệu quả giảm đau tốt với thời gian giảm đau hoàn toàn kéo dài và điểm đauVAS trung bình trong suốt 24 giờ luôn < 2.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Giảm đau đa mô thức, Phẫu thuật lấy thai, Mổ lấy thai
Tài liệu tham khảo
2. Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Hồng Sơn (2011), “Đánh giá hiệu quả gây tê tủy sống bằng bupivacain phối hợp sufentanil trong phẫu thuật chi dưới”, Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 15(3), tr.140-147.
3. Trần Huỳnh Đào (2016), “Hiệu quả của phối hợp bupivacain với sufentanil và morphine trong gây tê tủy sống mổ lấy thai”, Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 20 (3), tr.104-113.
4. Nguyễn Văn Minh (2017), “Hiệu quả giảm đau của nefopam kết hợp paracetamol sau phẫu thuật lấy thai”, Kỷ yếu Hội nghị Gây mê hồi sức Miền Trung – Tây Nguyên mở rộng năm 2017, tr.85-92.
5. Nguyễn Thị Hồng Vân (2016), “Đánh giá hiệu quả giảm đau sau mổ lấy thai có phối hợp morphine tiêm tủy sống tại bệnh viện quốc tế Đồng Nai năm 2015”, Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 20 (3), tr.141-144.
6. Jadon A., Bagai Rajni (2019), “Effective Pain Relief after Caesarean Section; Are We on the Right Path or Still on the Crossroad”, Journal of Obstetric Anaesthesia and Critical Care, 9(1), pp.3.
7. Nermin K., Alp G., Gurkan T. (2008), “Intrathecal morphine in anesthesia for cesarean delivery: dose-response relationship for combinations of low - dose intrathecal morphine and spinal bupivacaine”, Journal of Clinical Anesthesia, 20 (3), pp.180-185.
8. Ituk U., Habib AS (2018),“Enhanced recovery after cesarean delivery”, F1000 Research, 7 (1), pp.1-11.