ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ THIẾU MÁU THIẾU SẮT TRONG TKHS Ở SẢN PHỤ CÓ THIẾU MÁU TRƯỚC SANH TẠI BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

Hoàng Ân Quách 1, Minh Tuấn Võ 1,
1 Đại học Y Dược TP.HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Thiếu máu thiếu sắt (TMTS) khi mang thai là yếu tố tiên lượng mạnh nhất của thiếu máu hậu sản, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ. Bổ sung sắt bằng đường uống là một phương pháp đơn giản, hiệu quả để cải thiện tình trạng TMTS phụ nữ sau sinh. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ thành công trong điều trị TMTS trong thời kỳ hậu sản (TKHS) sau một tháng điều trị tại bệnh viện Hùng Vương từ tháng 01/2022 – 06/2022. Phương pháp: Nghiên cứu giả thực nghiệm dạng nghiên cứu trước - sau điều trị, tiến hành trên 88 sản phụ bị thiếu máu trước sinh không do các bệnh lý di truyền sinh tại bệnh viện Hùng Vương từ tháng 01 đến tháng 06 năm 2022 và được xác định có TMTS trong vòng 48g sau sinh. Kết quả: Tỷ lệ thành công trong điều trị TMTS trong TKHS sau một tháng điều trị là 88,6% (KTC 95%: 79,9 – 93,9). Các hình thái lâm sàng của TMTS trong TKHS ở các sản phụ có thiếu máu trước sinh tham gia nghiên cứu là: thiếu máu nhẹ chiếm tỷ lệ 21,6% (KTC 95%: 14,1 – 31,6); thiếu máu trung bình chiếm tỷ lệ 78,4% (KTC 95%: 68,4 – 85,9). Các yếu tố liên quan đến tỷ lệ thành công trong điều trị TMTS trong TKHS: tuổi mẹ, trình độ học vấn, tăng cân trong thai kỳ, truyền máu sau sinh, khoảng cách sinh, số lần sinh, chỉ số Hb sau sinh trong vòng 48 giờ, số ngày điều trị bổ sung sắt sau sinh. Kết luận: Việc bổ sung viên sắt uống có hiệu quả cao trong điều trị TMTS trong TKHS; nên thực hiện xét nghiệm Hemoglobin và định lượng Ferritin huyết thanh thường quy sau sinh cho các sản phụ có thiếu máu trước sinh nhằm bổ sung sắt điều trị kịp thời và phù hợp cho sản phụ.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y Tế. Thiếu máu và thai nghén. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa. 2015:54-55.
2. Đặng Thị Hà. Tầm soát thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ y học. Đại học Y Dược TPHCM. 2000:35-85.
3. Trần Văn Vũ, Võ Minh Tuấn. Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh. 2019;23(2):56-61.
4. Tăng Thường Bản, Nguyễn Duy Tài. Đánh giá hiệu quả điều trị thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ tại bệnh viện Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh. 2015;19(1):79-86.
5. Pavord S, Daru J, Prasannan N et al. UK guidelines on the management of iron deficiency in pregnancy. British Journal of Haematology. 2020;188:819–830.
6. Robson LS, Shannon HS, Goldenhar LM, Hale RA. Quasi-experimental and experimental designs: more powerful evaluation designs. Institute for Work & Health. 2001;Chapter 4:29-42
7. WHO. Iron deficiency anaemia; assessment; prevention; and control. A guide for programme managers. Geneva, World Health Organization. 2001:33 – 56.
8. WHO. Guideline: Iron Supplementation in pospartum women. Geneva, World Health Organization. 2016.