XÂY DỰNG QUY TRÌNH PHÁT HIỆN NẤM CANDIDA SPP. BẰNG PHƯƠNG PHÁP MULTIPLEX PCR

Nguyễn Tú Anh 1,, Lê Thị Thanh Thảo1, Phan Cảnh Trình 1, Nguyễn Minh Thái1, Nguyễn Thị Ngọc Yến2, Tôn Hoàng Diệu 3, Trần Quốc Việt 4, Nguyễn Hiếu1
1 Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
2 Đại học Nguyễn Tất Thành
3 Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
4 Bệnh viện Quân y 175

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu: Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) và Mạng lưới an toàn chăm sóc sức khỏe quốc gia của Mỹ, Candida spp. được xếp ở vị trí thứ 5 trong các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện và đứng thứ 4 trong số các tác nhân gây nhiễm khuẩn máu. Hiện nay, tại Việt Nam, khuynh hướng dịch chuyển này cũng đang xảy ra với tỉ lệ nhiễm cao nhất ở 04 loài Candida albicans, Candida glabrata, Candida parapsilosis và Candida tropicalis. Tuy nhiên, các phương pháp truyền thống phát hiện các loài thuộc chi Candida tuy dễ thực hiện nhưng có nhiều nhược điểm: phụ thuộc vào yếu tố khách quan, tốn nhiều thời gian, dẫn đến chỉ định điều trị không nhanh chóng và kịp thời. Các phương pháp chẩn đoán sinh học phân tử có nhiều ưu điểm trong phát hiện, định danh tác nhân vi sinh vật gây bệnh. Mục tiêu: Nghiên cứu này thực hiện với 2 mục tiêu: (1) Xác định và tối ưu hóa điều kiện multiplex PCR phát hiện 04 nấm C. albicans, C. glabrata, C. tropicalis và C. parapsilosis. (2) Xây dựng quy trình phát hiện đồng thời 04 loài nấm C. albicans, C. glabrata, C. tropicalis và C. parapsilosis bằng phương pháp multiplex PCR. Phương pháp: Các mẫu Candida spp. được thu nhận tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Quân Y 175 từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021. Vi nấm được phát hiện bằng các phương pháp: (1) thử nghiệm tạo ống mầm, (2) phân lập trên môi trường CHROMagar Candida, (3) tối ưu hóa quy trình phát hiện Candida spp. bằng kỹ thuật Multiplex PCR và sử dụng quy trình tối ưu trong phát hiện Candida spp. từ mẫu bệnh phẩm và (4) giải trình tự 5 sản phẩm khuếch đại để kiểm tra tính đặc hiệu. Sau đó, tiến hành so sánh và biện luận kết quả phát hiện Candida spp. bằng 3 phương pháp: thử nghiệm tạo ống mầm, CHROMagar Candida và Multiplex PCR. Kết quả: 40 mẫu bệnh phẩm được phát hiện bằng vào 3 phương pháp: thử nghiệm tạo ống mầm: phát hiện 13 loài C. albicans và 27 loài non-albicans Candida, nuôi cấy môi trường CHROMagar Candida: phát hiện 18 loài C. albicans, 5 loài C. tropicalis, 3 loài C. glabrata và 14 loài non-albicans Candida. Với multiplex PCR: phát hiện 18 loài C. albicans, 7 loài C. tropicalis, 8 loài C. glabrata, 6 loài C. parapsilosis và 1 loài không xác định được. Các thành phần Multiplex PCR phát hiện 4 loài Candida được tối ưu trong 1 ống eppendorf: dung dịch đệm PCR 10 X 2,2 µl; MgSO4 25 mM 0,6 µl; Taq DNA polymerase 5 UI/µl 0,3 µl; dNTP 10 mM 0,5 µl, mồi Falb 5 pmol 0,3 µl; Ralb 5 pmol 0,5 µl; Ftro 5 pmol 0,3 µl; Fpara 5 pmol 0,6 µl; Rpara 5 pmol 0,6 µl; Fgla 5 pmol 0,3 µl; Rgla 5 pmol 0,3 µl; dịch chiết DNA 1 µl; nước khử khoáng vừa đủ 25 µl. Chương trình PCR được tối ưu: giai đoạn biến tính ban đầu 95 oC 5 phút (1 chu kỳ), giai đoạn 2 (40 chu kỳ): biến tính 95 oC 30 giây, gắn mồi 59 oC 30 giây, kéo dài mồi 72 oC 30 giây; giai đoạn kéo dài cuối cùng 72 oC 8 phút (1 chu kỳ).

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Deorukhkar, Sachin C, et al, (2012), "Evaluation of different media for germ tube production of Candida albicans and Candida dubliniensis", 3 (9), pp. 704-707.
2. Neppelenbroek, K. H., et al, (2014), "Identification of Candida species in the clinical laboratory: a review of conventional, commercial, and molecular techniques", Oral Dis, 20 (4), pp. 329-344.
3. Pappas, P. G., et al, (2018), "Invasive Candidiasis", Nat Rev Dis Primers 4pp. 126-180.
4. Sardi, J. C. O., al. e, (2013), "Candida species: current epidemiology, pathogenicity, biofilm formation, natural antifungal products and new therapeutic options", J Med Microbiol, 6 (1), pp. 10-24.
5. Singh A., Goering RV., Simjee S, (2006), "Application of Molecular Techniques to the Study of Hospital Infection", Clinical Microbiology Reviews, 19 (3), pp. 512-530.
6. Vingataramin, Laurie Frost, Eric H, (2015), "A single protocol for extraction of gDNA from bacteria and yeast", Biotechniques, 58 (3), pp. 120-125.
7. Phùng Nguyễn Thế Nguyên, (2015), "Đặc điểm bệnh nhi nhiễm nấm tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1", Y học TP Hồ Chí Minh, 19 pp. 22-28.
8. Trương Thiên Phú, (2018), "Phân bố các tác nhân gây nhiễm nấm máu và tình hình kháng thuốc kháng nấm tại Bệnh viện Chợ Rẩy năm 2017", Y học TP Hồ Chí Minh, 22 pp. 149-154.