TUÂN THỦ QUY TRÌNH AN TOÀN TRONG PHẪU THUẬT CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI KHOA GÂY MÊ HỒI SỨC BỆNH VIỆN QUÂN Y 6 NĂM 2022

Lê Thị Hằng 1,, Hoàng Ngọc Hải 2
1 Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN
2 Bệnh viện quân y 6

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Tai biến, biến chứng phẫu thuật không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc phẫu thuật, mà còn làm tăng thời gian điều trị, tăng gánh nặng tài chính cho cả người bệnh lẫn bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung. Với mục đích kiểm tra, đánh giá, giám sát bảo đảm an toàn phẫu thuật, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 7482/QĐ-BYT “Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật” triển khai thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện phẫu thuật để tự đánh giá và cải tiến bảo đảm an toàn phẫu thuật. Mục tiêu: Đề tài được thực hiện với mục tiêu mô tả tuân thủ quy trình an toàn trong phẫu thuật của nhân viên y tế tại khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Quân Y 6, năm 2022. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Với thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành từ tháng 07/2022 đến tháng 10/2022, thời gian thu thập số liệu từ tháng 07/2022 đến tháng 09/2022. Cỡ mẫu nghiên cứu là 225 trường hợp phẫu thuật thực hiện tại khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Quân y 6. Số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm Epidata 3.1 và SPSS 20.0. Kết quả và kết luận: Điểm trung bình đánh giá tuân thủ quy trình an toàn trong phẫu thuật tại khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Quân y 6 theo thang đo rút gọn từ Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật đạt 4,51 ± 0,267 điểm. Cả 8 tiêu chí đánh giá đều có mức điểm trung bình lớn hơn 4,0 xếp mức độ tuân thủ thực hành cao (> 3,67). Tỷ lệ tuân thủ quy trình an toàn trong phẫu thuật ở 8 tiêu chí đạt tỷ lệ 90,11%. Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra kết quả khác nhau về mức độ tuân thủ an toàn phẫu thuật đối với các nhóm nhân viên y tế khác nhau: nhóm BS/ĐD gây mê có điểm trung bình tuân thủ được đánh giá cao nhất với 4,52 điểm (độ lệch chuẩn 0,274), nhóm ĐD/KTV y cụ với 4,51 điểm (độ lệch chuẩn 0,290), nhóm BS PT có điểm trung bình đánh giá thấp nhất với 4,50 điểm (độ lệch chuẩn 0,288). Có sự khác biệt giữa thâm niên công tác của ĐD/KTV y cụ và điểm trung bình kết quả đánh giá thực hành ATPT (p=0,012).

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2013). Thông tư 19/2013/TT-BYT ngày 12/07/2013 về Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.
2. Bộ Y tế (2018). Quyết định 7482/QĐ-BYT ngày 18/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật.
3. Nguyễn Thị Nguyệt (2015). Đánh giá thực hiện quy trình đảm bảo an toàn phẫu thuật tại khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa Tiên Lãng.
4. Nguyễn Viết Thanh (2015). Đánh giá hiệu quả quy trình kiểm soát an toàn phẫu thuật trước trong và sau mổ tiêu hóa.
5. Võ Văn Tuấn (2015). Đánh giá kết quả áp dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật. Sở Y tế Khánh Hòa.
6. Huỳnh Thanh Phong (2018). Khảo sát việc thực hiện bảng kiểm an toàn người bệnh trong phẫu thuật và một số yếu tố ảnh hưởng tại Bệnh viện Nhân Dân 115 thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, Trường Đại học Y tế công cộng.
7. Emma-Louise Aveling, Peter McCulloch, Mary Dixon-Woods (2013). A qualitative study comparing experiences of the surgical safety checklist in hospitals in high- income and low-income countries. BMJ open. 3:e003039.
8. Paul O'Connor 1, Catriona Reddin, Michael O'Sullivan, Fergal O'Duffy, Ivan Keogh (2013). Surgical checklists: the human factor. Patient Saf Surg. 2013 May 14;7(1):14. doi: 10.1186/1754-9493-7-14.
9. WHO (2009). Cẩm nang thực hành Bảng kiểm An toàn Phẫu thuật WHO.