KHẢO SÁT HÌNH ẢNH ĐỘNG MẠCH SÀNG TRƯỚC VÀ ĐỘNG MẠCH SÀNG SAU TRÊN CT SCAN MŨI XOANG

Trần Quang Kiên 1, Bùi Thế Hưng 1, Lâm Huyền Trân 1,
1 Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu: Động mạch sàng trước và động mạch sàng sau là các mốc giải phẫu quan trọng cần phải xác định trước khi phẫu thuật nội soi mũi xoang, khi các động mạch này bị tổn thương có thể gây nên tình trạng tụ máu trong ổ mắt và giảm thị lực. Việc xác định động mạch sàng trước và động mạch sàng sau trên phim CT Scan trước khi phẫu thuật là cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ và biến chứng gây ra do tổn thương các động mạch này. Mục tiêu: Khảo sát tần suất, các dạng, các thể vị trí và chiều dài của động mạch sàng trước và động mạch sàng sau trong khối sàng. Khảo sát khoảng cách từ động mạch sàng trước, động mạch sàng sau đến trần sàng, khoảng cách giữa động mạch sàng trước và động mạch sàng sau. Khảo sát mối tương quan giữa động mạch sàng trước, động mạch sàng sau đến trần sàng với các yếu tố ảnh hưởng (tuổi, giới, vị trí xuất hiện động mạch đó, chiều dài của chính động mạch đó). Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế: Cắt ngang mô tả. Nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ tháng 09 năm 2020 đến tháng 08 năm 2022, khảo sát phim CT Scan mũi xoang của 215 bệnh nhân. Kết quả: Tỉ lệ động mạch sàng trước hiện diện trên phim CT lát cắt 0,625 mm là 97,44%, dạng treo chiếm đa số trong các dạng động mạch chiếm 59,43%, thường nằm từ mảnh nền bóng sàng tới mảnh nền cuốn mũi giữa (thể 2, 3, 4) chiếm 92,36%, chiều dài trung bình là 5,53 ± 1,58 mm. Tỉ lệ động mạch sàng sau hiện diện trên phim CT lát cắt 0,625 mm là 95,12%, dạng phẳng chiếm đa số trong các dạng động mạch chiếm 74,82%, động mạch sàng sau thường nằm giữa vách thứ nhất và vách thứ hai tính từ thần kinh thị (thể 3) chiếm 59,92%, chiều dài trung bình là 4,23 ± 1,56 mm. Khoảng cách giữa động mạch sàng trước đến trần sàng dao động từ 0 mm đến 8,18 mm, trung bình là 2,23 (0-3,43) mm. Khoảng cách giữa động mạch sàng sau đến trần sàng dao động từ 0 mm đến 2,44 mm, trung bình là 0 (0-0) mm. Khoảng cách từ động mạch sàng trước đến động mạch sàng sau trung bình là 14,03 ± 2,34 mm. Khoảng cách động mạch sàng trước, động mạch sàng sau đến trần sàng có mối tương quan thuận với chiều dài của chính động mạch đó. Kết luận: Khoảng cách trung bình giữa động mạch sàng trước đến trần sàng lớn hơn khoảng cách trung bình giữa động mạch sàng sau đến trần sàng. Khoảng cách này ở nam lớn hơn so với ở nữ. Khoảng cách từ động mạch sàng trước, động mạch sàng sau đến trần sàng càng lớn thì chiều dài động mạch đó càng dài và ngược lại.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Văn Hữu. Khảo sát liên quan giải phẫu giữa hình ảnh tế bào sàng trên ổ mắt và động mạch sàng trước trên CT Scan từ năm 2019 đến năm 2020 tại bệnh viện Tai-Mũi-Họng thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ y học, Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh; 2020.
2. Lê Hoàng Nghĩa. Khảo sát động mạch sàng trước trên CT Scan và ứng dụng trong phẫu thuật nội soi mũi xoang tại BV Tai Mũi Họng Thành Phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh; 2015.
3. Phan Đỗ Nhân. Khảo sát động mạch sàng sau trên phim CT Scan mũi xoang tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ năm 2018 - 2019. Luận văn thạc sĩ y học, Đại học Y Dược TP.HCM; 2019.
4. Abdullah B, Lim EH, Mohamad H, et al. Anatomical variations of anterior ethmoidal artery at the ethmoidal roof and anterior skull base in Asians. Surg Radiol Anat. May 2019;41(5):543-550. doi:10.1007/s00276-018-2157-3
5. Cankal F, Apaydin N, Acar HI, et al. Evaluation of the anterior and posterior ethmoidal canal by computed tomography. Clin Radiol. Nov 2004;59(11):1034-40. doi:10.1016/j.crad.2004.04.016
6. Monjas-Canovas I, Garcia-Garrigos E, Arenas-Jimenez JJ, Abarca-Olivas J, Sanchez-Del Campo F, Gras-Albert JR. [Radiological anatomy of the ethmoidal arteries: CT cadaver study]. Acta Otorrinolaringol Esp. Sep-Oct 2011;62(5):367-74. Anatomia radiologica de las arterias etmoidales: estudio por TC en cadaver. doi:10.1016/j.otorri.2011.04.006
7. Sjogren PP, Waghela R, Ashby S, Wiggins RH, Orlandi RR, Alt JA. International Frontal Sinus Anatomy Classification and anatomic predictors of low-lying anterior ethmoidal arteries. Am J Rhinol Allergy. May 1 2017;31(3):174-176. doi:10.2500/ajra.2017.31.4428
8. Yamamoto H, Nomura K, Hidaka H, Katori Y, Yoshida N. Anatomy of the posterior and middle ethmoidal arteries via computed tomography. SAGE Open Med. 2018;6:2050312118772473. doi:10.1177/2050312118772473