ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ HỌC LÂM SÀNG RỐI LOẠN TRẦM CẢM TẠI TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2021 -2022

Lê Minh Ngọc1,, Nguyễn Văn Ngọc1, Nguyễn Đăng Thương1, Nguyễn Thị Hồi1
1 Bệnh viện Tâm thần Thái Bình

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến mang lại gánh nặng bệnh tật nhiều nhất, gây tổn thất hàng đầu về chi phí y tế trên thế giới. Tại Việt Nam, chương trình Quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng đã được triển khai trên cả nước nhằm phát hiện, điều trị và quản lý các rối loạn tâm thần tại cộng đồng nhưng chưa được phủ kín toàn bộ. Phần lớn các rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ và vừa nằm ở cộng đồng chưa được phát hiện. Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài: “Đặc điểm dịch tễ học và triệu chứng lâm sàng rối loạn trầm cảm tại tỉnh Thái Bình năm 2021-2022”. Mục tiêu: “Mô tả đặc điểm dịch tễ học và triệu chứng lâm sàng rối loạn trầm cảm tại tỉnh Thái Bình năm 2021 - 2022”. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang 16.645 đối tượng nghiên cứu tại tỉnh Thái Bình từ  tháng 2/2021 đến tháng 11/2022. Kết quả: Trong số 16.645 đối tượng nghiên cứu có 820 người được chẩn đoán trầm cảm, chiếm tỷ lệ 4,9%. Trong đó tỷ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới so với nam giới xấp xỉ 3:1. Tỷ lệ trầm cảm theo độ tuổi cho thấy nhóm 50 – 60 tuổi có tỷ lệ trầm cảm cao nhất (12,1%), sau đó đến nhóm 41 - 50 tuổi (5,1%), thấp nhất là nhóm 18-30 tuổi (0,5%). Về mức độ trầm cảm, trầm cảm vừa chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến trầm cảm nhẹ (47,4% và 44,6%), trầm cảm nặng có loạn thần (0,5%) chiếm tỷ lệ thấp nhất (0,5%). Các triệu chứng lâm sàng bao gồm các triệu chứng chủ yếu, phổ biến và các triệu chứng cơ thể rất thường gặp như giảm năng lượng, tăng mệt mỏi (88,7%), rối loạn giấc ngủ (98,8%), ăn kém, giảm ngon miệng (90%), giảm tập trung chú ý chiếm 74,9%, sút cân, giảm ngon miệng (89,6%), mất/giảm quan tâm, thích thú so với trước đây (64,6%). Kết luận: Trầm cảm tại cộng đồng thường gặp là mức độ nhẹ và vừa. Vì vậy cần lồng ghép các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng nhằm tiếp cận, tuyên truyền, sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời để cải thiện bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Depression and Other Common Mental Disorders: Global Health Estimates, WHO-MSD-MER-2017.2
2. Rubenstein L., Unutzer J., Miranda J., et al (2000), Clinician guide to depression assessment and management in primary care, RAND, 11-12.
3. Phạm Tú Dương (2000), "Tìm hiểu đặc điểm dịch tễ và lâm sàng rối loạn trầm cảm tại phường Đông Khê – TP Hải Phòng.", Tạp Chí Học Việt Nam. 34, trang 245-246
4. S. B. Patten (2005), "Markov models of major depression for linking psychiatric epidemiology to clinical practice", Clin Pract Epidemiol Ment Health. 1(1), pages 2.
5. Đỗ Huy Hoàng (2021), "Thực trạng mắc rối loạn trầm cảm ở người trưởng thành tại xã Văn Lang huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình", Tạp chí Y học cộng đồng. 2354, trang 33-39.
6. Nguyễn Thu Hà (2021), “Đặc điểm lâm sàng triệu chứng ăn uống ở người bệnh giai đoạn trầm cảm điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần”, Tạp chí Y học Việt Nam tập 507 – tháng 10 – số 2 năm 2021, 281-284.
7. Đỗ Tuyết Mai. Đặc Điểm Lâm Sàng Các Triệu Chứng Cơ Thể Của Giai Đoạn Trầm Cảm ở Bệnh Nhân Nội Trú Tại Viện Sức Khỏe Tâm Thần. Luận văn Thạc sỹ Y học; 2017.