ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ HÌNH ẢNH CỘNG HƯỞNG TỪ CỦA NHỒI MÁU TIỂU NÃO

Đào Thị Thu Huyền 1,, Võ Hồng Khôi 1,2,3
1 Trung tâm Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai
2 Đại học Y Hà Nội
3 Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cộng hưởng từ của nhồi máu tiểu não. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả tiến cứu được thực hiện trên 115 bệnh nhân nhồi máu tiểu não điều trị tại Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8/2022 đến tháng 5/2023. Kết quả: Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 64,83 ± 12,18 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là 3,3/1. Các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá 36,5%; tăng huyết áp 73,9%; đái tháo đường 30,4%; rối loạn lipid máu 40%; tiền sử đột quỵ hay cơn thiếu máu não thoáng qua 24,3%. Triệu chứng lâm sàng: chóng mặt 79,1%; đau đầu 68,7%; nói khó 64,3%; thất điều 54,8%; buồn nôn, nôn (44,3%). Phần lớn bệnh nhân không có rối loạn ý thức với điểm Glasgow 14 – 15 điểm chiếm 81,7%. Mức độ nặng của đột quỵ lúc nhập viện chủ yếu là nhẹ và trung bình: NIHSS 0-4 điểm 62%, NIHSS 5-15 điểm 22%. Hình ảnh cộng hưởng từ sọ não: 49,6% tổn thương chỉ khu trú ở tiểu não; 48,7% tổn thương một ổ đơn độc; 74,8% có thể tích tổn thương dưới 25 ml. Các vùng mạch máu bị ảnh hưởng theo thứ tự phổ biến là PICA (47,8%), SCA (18,3%) và AICA (8,7%). Trên xung mạch máu TOF 3D: 30,4% có tắc mạch thuộc hệ động mạch đốt sống – thân nền. Biến chứng: chèn ép thân não 12,2%; chèn ép não thất IV 13,9%; giãn não thất 4,3%; nhồi máu chuyển dạng chảy máu 11,3%. Kết luận: Nhồi máu tiểu não chủ yếu biểu hiện với các triệu chứng không đặc hiệu như chóng mặt, buồn nôn, nôn và đau đầu, vì thế việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Cộng hưởng từ sọ não giúp chẩn đoán xác định cũng như phân vùng mạch máu bị ảnh hưởng và đánh giá các tổn thương khác kèm theo: tắc mạch hệ đốt sống – thân nền, biến chứng.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Edlow JA, Newman-Toker DE, Savitz SI. Diagnosis and initial management of cerebellar infarction. The Lancet Neurology. 2008;7(10):951-964.
2. Calic Z, Cappelen-Smith C, Anderson CS, et al. Cerebellar Infarction and Factors Associated with Delayed Presentation and Misdiagnosis. Cerebrovasc Dis. 2016;42(5-6):476-484.
3. Mã Hoa Hùng. Đặc điểm lâm sàng và các yếu tố liên quan đến kết cục của nhồi máu tiểu não. Luận văn chuyên khoa cấp II, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. 2016.
4. Cano LM, Cardona P, Quesada H, et al. Cerebellar infarction: Prognosis and complications of vascular territories. Neurología (English Edition). 2012;27(6):330-335.
5. Tchopev Z, Hiller M, Zhuo J, et al. Prediction of poor outcome in cerebellar infarction by diffusion MRI. Neurocrit Care. 2013 Dec;19(3):276-82.
6. Lu WZ, Lin HA, Bai CH, et al. Posterior circulation acute stroke prognosis early CT scores in predicting functional outcomes: A meta-analysis. PLoS One. 2021 Feb 16;16(2):e0246906.