ĐẶC ĐIỂM VIÊM THÂN SỐNG ĐĨA ĐỆM NHIỄM TRÙNG TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP. HỒ CHÍ MINH

Cao Thanh Ngọc 1,2, Bùi Đăng Khoa 1,
1 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
2 Đại học Y Dược TP.HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Viêm thân sống đĩa đệm nhiễm trùng (VTSĐĐNT) chiếm 3-5% tất cả nguyên nhân viêm xương tuỷ xương, tỷ lệ này gia tăng theo tuổi [1]. Nếu không điều trị kịp thời, VTSĐĐNT có thể dẫn đến phá hủy đốt sống, tổn thương tủy không hồi phục, biến chứng thần kinh (dị cảm, tê, yếu chi, mất cảm giác), nhiễm trùng huyết và tử vong, tỷ lệ tử vong có thể thay đổi tùy theo nghiên cứu trong khoảng 4-29% [2, 3]. Chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh sớm giúp cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân (BN), hầu hết các trường hợp VTSĐĐNT điều trị bằng kháng sinh. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu (NC) về VTSĐĐNT tuy nhiên các kết quả nghiên cứu thường không đồng nhất. Ở Việt Nam, số liệu về VTSĐĐNT còn hạn chế. Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm bệnh viêm thân sống đĩa đệm nhiễm trùng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: NC hồi cứu, mô tả thực hiện trên 42 bệnh nhân (BN) (≥ 18 tuổi) VTSĐĐNT điều trị tại, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 11 năm 2022. Các BN được ghi các thông lâm sàng, xét nghiệm sinh hoá và cấy máu, cấy dịch sinh thiết, hình ảnh MRI cột sống theo bảng soạn sẵn từ hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Kết quả: NC thu thập được 42 BN, có độ tuổi trung bình là 68,1 ± 11,91, trong đó nữ giới chiếm ưu thế với 69,05%. Về bệnh đồng, ghi nhận tỷ lệ mắc tăng huyết áp 78,57%, đái tháo đường 47,62%, bệnh thận mạn 16,67%, xơ gan 2,38%, bệnh tự miễn 11,9%. Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là đau lưng được mô tả hầu hết các BN với tỷ lệ 97,6%, thời gian khởi phát bệnh trung bình là 14 ngày, 83,33% BN có sốt, 78,81% BN có triệu chứng tê bì, 14,2% có triệu chứng yếu cơ và 11,9 % BN rối loạn tiêu tiểu. NC ghi nhận dấu ấn viêm tăng cao trong đa số các trường hợp, tăng CRP với giá trị trung bình 103 [34 – 171] mg/L, máu lắng giờ đầu tăng với giá trị trung bình là 89,5 [70 -116] mm. Đặc điểm trên trên cộng hưởng từ (Magnetic resonance imaging:MRI) trong NC chúng tôi ghi nhận, tổn thương cột sống thắt lưng chiếm phần lớn các trường hợp với tỷ lệ 83,33 %. Các dấu hiệu tổn MRI khác ghi nhận 92,86% BN có phù tủy xương, 52,38% giảm chiều cao thân sống, 47,62% hẹp ống sống, 19,2% có áp xe ngoài màng cứng, 85,71% áp xe cạnh sống, 61,90% có áp xe cơ thắt lưng chậu, 57,14% hủy đĩa đệm. Trong NC ghi nhận tác nhân thường gặp nhất là Staphylococcus aureus với 8 trường hợp chiếm 53,33% tổng số BN cấy dương. Kết luận: NC của chúng tôi mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng BN VTSĐĐNT có độ tuổi trung bình mắc bệnh cao, ưu thế là nữ. Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) là 2 bệnh lý đồng mắc thường gặp nhất. Triệu chứng thường gặp nhất là đau lưng, sốt và tê chân, ít gặp hơn là triệu chứng yếu liệt và rối loạn tiêu tiểu. CRP và VS thường tăng cao ở BN, đây có thể là một dấu hiệu gợi ý chẩn đoán. VTSĐĐNT ảnh hưởng chủ yếu ở cột sống thắt lưng. NC ghi nhận các tổn thương thường gặp trên MRI bao gồm phù tủy xương, áp xe cạnh sống, áp xe cơ thắt lưng chậu. Tác nhân chủ yếu gây VTSĐĐNT thường gặp nhất là Staphylococcus aureus.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Fantoni, M., et al., Epidemiological and clinical features of pyogenic spondylodiscitis. European Review for Medical & Pharmacological Sciences, 2012. 16.
2. Boody, B.S., D.A. Tarazona, and A.R. Vaccaro, Evaluation and management of pyogenic and tubercular spine infections. Current Reviews in Musculoskeletal Medicine, 2018. 11: p. 643-652.
3. Issa, K., et al., The epidemiology of vertebral osteomyelitis in the United States from 1998 to 2013. Clinical Spine Surgery, 2018. 31(2): p. E102-E108.
4. Yu, D., S.W. Kim, and I. Jeon, Antimicrobial therapy and assessing therapeutic response in culture-negative pyogenic vertebral osteomyelitis: A retrospective comparative study with culture-positive pyogenic vertebral osteomyelitis. BMC Infectious Diseases, 2020. 20: p. 1-8.
5. Kim, J., et al. Outcome of culture-negative pyogenic vertebral osteomyelitis: comparison with microbiologically confirmed pyogenic vertebral osteomyelitis. in Seminars in Arthritis and Rheumatism. 2014. Elsevier.
6. Gil, J.J.F., et al., Vertebral osteomyelitis: Clinical, microbiological and radiological characteristics of 116 patients. Medicina Clínica, 2020. 155(8): p. 335-339.
7. Mendez, G., et al., Acute vertebral osteomyelitis a descriptive study of a series of 40 cases in a tertiary care hospital. International Journal of Infectious Diseases, 2018. 73: p. 150.