BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU TỶ LỆ (PREVALENCE) CÁC GEN AAD GÂY KHÁNG KHÁNG SINH NHÓM AMINOGLYCOSIDE TRÊN CÁC CHỦNG KLEBSIELLA PNEUMONIAE MẮC TRONG CỘNG ĐỒNG

Nguyễn Hữu Ngọc Tuấn 1,, Nguyễn Quang Huy 1, Hồ Thị Hồng Thắm 1, Nguyễn Minh Hà 1,2
1 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Việc sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn do K.pneumoniae đang gặp nhiều khó khăn vì sự đề kháng kháng sinh ngày càng mạnh mẽ. Aminoglycoside là một trong nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều trên lâm sàng, có giá thành hợp lý và có sẵn ở nhiều cơ sở y tế. Tuy vậy, sự đề kháng Aminoglycoside hiện khoảng 40-50% với cơ chế đa dạng. Dữ liệu về tần suất của các gen kháng thuốc, như aad, là then chốt để xây dựng xét nghiệm định hướng điều trị sớm bằng Aminoglycoside. Mục tiêu: Xác định tỉ lệ một số gen nhóm aad gây kháng Aminoglycosides trên các chủng  K.pneumoniae mắc trong cộng đồng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong khoảng thời gian 02-05/2023. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả loạt ca trên các mẫu K.pneumoniae gây nhiễm khuẩn cộng động có kết quả kháng sinh đồ kháng Gentamicin và/hoặc Tobramycin, thu thập từ tháng 02-05/2023 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Sự hiện diện của các gen kháng thuốc aadB, aadA2 và aadA5 được xác định bằng kỹ thuật real-time PCR. Phép kiểm Chi-square và Fisher được dùng để so sánh sự khác biệt về tỷ lệ xuất hiện các gen aad trên K.pneumoniae theo đặc điểm kháng sinh đồ và đặc điểm lâm sàng, với giá trị p < 0,05 được xem là có ý nghĩa thống kê. Kết quả: Trong khoảng thời gian lấy mẫu, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 38 chủng K.pneumoniae kháng Aminoglycoside nhiễm trong cộng đồng với tỷ lệ kháng Tobramycin là 73,7%, kháng Gentamicin là 81,6% và kháng cả 2 loại Aminoglycoside này là 55,3%. Đây đồng thời là các chủng đề kháng nhiều loại kháng sinh. Tỷ lệ toàn kháng, kháng mở rộng và đa kháng thuốc lần lượt là 7,9%, 47,4% và 44,7%. Gen aadA2 chiếm tỷ lệ 94,7%, kế tiếp là aadẠ5 và aadB cùng bằng 89,5%. Các chủng K.pneumoniae được khảo sát đa số mang cả 3 gen (73,7%), số còn lại mang 2 gen (26,3%) kháng thuốc. Các gen aad không có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê với đặc điểm kháng sinh đồ và đặc điểm lâm sàng. Kết luận: Các chủng K.pneumoniae kháng Aminoglycoside trong cộng đồng luôn đi kèm với việc kháng nhiều loại kháng sinh khác và tuyệt đại đa số mang các gen aadA2, aadA5 và aadB. Các gen aad không có mối liên hệ với đặc điểm kháng sinh đồ gợi ý rằng sự đề kháng Aminoglycoside có cơ chế phức tạp. Những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong tương lai là cần thiết để xây dựng chiến lược xét nghiệm hướng dẫn sử dụng Aminoglycoside trên lâm sàng cũng như xây dựng các biện pháp phòng chống sự gia tăng đề kháng kháng sinh ở K.pneumoniae trong cộng đồng.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Garneau-Tsodikova, S. and K.J. Labby, Mechanisms of resistance to aminoglycoside antibiotics: overview and perspectives. MedChemComm, 2016. 7(1): p. 11-27.
2. Barbier, E., et al., The ZKIR Assay, a Real-Time PCR Method for the Detection of Klebsiella pneumoniae and Closely Related Species in Environmental Samples. Applied and Environmental Microbiology, 2020. 86(7):e02711-19.
3. Stedtfeld, R.D., et al., Primer set 2.0 for highly parallel qPCR array targeting antibiotic resistance gens and mobile gentic elements. FEMS Microbiology Ecology, 2018. 94(9):fiy130.
4. Li, B., et al., Analysis of drug resistance determinants in Klebsiella pneumoniae isolates from a tertiary-care hospital in Beijing, China. 2012. 7(7):e42280.
5. Isler, B., et al., High prevalence of ArmA-16S rRNA methyltransferase among aminoglycoside-resistant Klebsiella pneumoniae bloodstream isolates. Journal of Medical Microbiology, 2022. 71(12): 001629
6. Shaw, K.J., P.N. Rather, R.S. Hare, and G.H. Miller, Molecular gentics of aminoglycoside resistance gens and familial relationships of the aminoglycoside-modifying enzymes. Microbiol Rev, 1993. 57(1):138-63.
7. Martin, R.M. and M.A. Bachman, Colonization, Infection, and the Accessory Genome of Klebsiella pneumoniae. Frontiers in Cellular and Infection Microbiology, 2018. 8: p.4.