ĐẶC ĐIỂM GIẢI PHẪU CÁC NHÁNH XUYÊN DA CỦA CUNG ĐỘNG MẠCH QUẶT NGƯỢC TRỤ SAU – ĐỘNG MẠCH BÊN TRỤ TRÊN

Trần Quốc Vinh 1, Đinh Văn Thái Bảo 2, Nguyễn Trung Hiếu 2,
1 Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Khánh Hòa
2 Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Đánh giá các đặc điểm giải phẫu ứng dụng các nhánh xuyên từ cung động mạch quặt ngược trụ sau – động mạch bên trụ trên (ĐM QNTS – ĐM BTT). Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca được tiến hành trên 27 cánh tay của xác tươi có độ tuổi ≥18 tại bộ môn Giải Phẫu trường Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2022. Kết quả: tuổi trung bình 75,2 ± 8,4 tuổi, tỉ lệ nam/nữ là 4/5. Có 89% (24/27) trường hợp cánh tay có thông nối ĐM QNTS – ĐM BTT. Có 93% trường hợp ĐM BTT cho ít nhất một nhánh xuyên có đường kính ≥ 0,5mm, và có 41% các trường hợp cho từ 2 nhánh xuyên trở lên. Đường kính trung bình của nhánh xuyên từ ĐM BTT là 0,7 ± 0,2mm (0,5-1,1mm). Chiều dài trung bình của nhánh xuyên là 35,7 ± 28,6mm (8.2-172mm). Kiểu xuyên cân theo phân loại Mathes và Nahai có 31/42 (73,8%) nhánh xuyên kiểu A, 11/42 (26,2%) nhánh xuyên kiểu B, và không có nhánh xuyên nào kiểu C. Có 41% trường hợp ĐM QNTS cho ít nhất một nhánh xuyên có đường kính ≥ 0,5mm. Đường kính trung bình của nhánh xuyên từ ĐM QNTS là 0,7 ± 0,1mm (0,6-1mm). Chiều dài trung bình của nhánh xuyên là 32,9 ± 11,4mm (17,4-52,6mm). Tất cả các nhánh xuyên nuôi da từ ĐM QNTS đều đi theo dạng xuyên cơ ra da. Kết luận: Cung ĐM QNTS – ĐM BTT có tỷ lệ thông nối và cho nhánh xuyên cao, vị trí xuyên cân của nhánh xuyên ra da tương đối hằng định ở mặt sau trong cẳng tay và cánh tay. Đây là cơ sở cho việc thiết kế và lấy vạt da từ cung động mạch này để che phủ khuyết hổng vùng khuỷu hay làm vạt tự do.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Prantl L, Schreml S, Schwarze H, et al. A safe and simple technique using the distal pedicled reversed upper arm flap to cover large elbow defects. J Plast Reconstr Aesthet Surg. 2008:546-551.
2. Cherubino M, Bolletta A, Baroni T, et al. Anatomical Study and Clinical Application of Ulnar Artery Proximal Perforator Flaps. J Reconstr Microsurg. 2021:201-207.
3. Zang M, Yu S, Xu L, et al. Freestyle perforator-based propeller flap of medial arm for medial elbow reconstruction. Microsurgery. 2015:411-414.
4. Mateev MA, Trunov L, Hyakusoku H, Ogawa R. Analysis of 22 posterior ulnar recurrent artery perforator flaps: a type of proximal ulnar perforator flap. Eplasty. 2009:9-21.
5. Hayashi A, Maruyama Y. Anatomical study of the recurrent flaps of the upper arm. Br J Plast Surg. 1990:300-306.
6. Sun C, Hou ZD, Wang B, Ding ZH. An anatomical study on the characteristics of cutaneous branches-chain perforator flap with ulnar artery pedicle. Plast Reconstr Surg. Feb 2013; 131(2): 329-336. doi: 10.1097/PRS. 0b013e318277884c
7. Mathes SJ, Nahai F. Classification of the Vascular Anatomy of Muscles: Experimental and Clinical Correlation. Plastic and Reconstructive Surgery. 1981:177-187.
8. Perignon D, Havet E, Sinna R. Perforator arteries of the medial upper arm: anatomical basis of a new flap donor site. Surg Radiol Anat. 2013:39-48.