TỶ LỆ BỆNH GAN NHIỄM MỠ LIÊN QUAN RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2

Đỗ Minh Quân 1, Trần Thị Khánh Tường 1, Cao Đình Hưng 1,2, Đào Đức Tiến 3,
1 Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
2 Đại học Nguyễn Tất Thành
3 Bệnh viện Quân y 175

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, các yếu tố liên quan và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, C, sử dụng rượu bia ở nhóm bệnh nhân được chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang phân tích 163 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đến khám tại Bệnh viện Quân y 175 từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023. Xác định nhiễm mỡ gan bằng máy FibroScan compact 530 với đầu dò CAP. Chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa theo Tiêu chuẩn của Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan châu Âu (2020). Kết quả: Tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 là 66,3% với các mức độ nhiễm mỡ gan lần lượt là S1:20,4%; S2: 23,1%; S3: 56,5% và độ xơ hóa gan F2: 18,5%; F3: 13,0%, và F4: 14,8%. Nhóm bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn (p<0,001) và nồng độ Triglyceride cao hơn (p<0,05) so với nhóm không có bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, viêm gan C, sử dụng rượu bia ở nhóm bệnh gan nhiễm mỡ liên quan chuyển hóa lần lượt là 30,6%, 8,3% và 39,8% và chưa tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai nhóm. Kết luận: Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa khá thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đồng thời cần tầm soát đồng nhiễm vi rút viêm gan B, C cũng như tình trạng uống nhiều rượu bia ở nhóm bệnh nhân này.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Abu Freha N., et al. (2020), "Maternal Hepatitis B Virus or Hepatitis C Virus Carrier Status and Long-Term Endocrine Morbidity of the Offspring-A Population-Based Cohort Study", J Clin Med, 9(3).
2. Cheng K. L., et al. (2023), "Prevalence and clinical outcomes in subtypes of metabolic associated fatty liver disease", J Formos Med Assoc.
3. Dharmalingam M., Yamasandhi P. G. (2018), "Nonalcoholic Fatty Liver Disease and Type 2 Diabetes Mellitus", Indian J Endocrinol Metab, 22(3), 421-428.
4. Eslam M., et al. (2020), "A new definition for metabolic dysfunction-associated fatty liver disease: An international expert consensus statement", J Hepatol, 73(1), 202-209.
5. Guan Conghui, et al. (2022), "Metabolic (Dysfunction)-Associated Fatty Liver Disease in Chinese Patients with Type 2 Diabetes from a Subcenter of the National Metabolic Management Center", Journal of Diabetes Research, 2022, 8429847.
6. Huang J. F., et al. (2023), "Community-centered Disease Severity Assessment of Metabolic Dysfunction-associated Fatty Liver Disease", J Clin Transl Hepatol, 11(5), 1061-1068.
7. Le N. T. D., Dinh Pham L., Quang Vo T. (2017), "Type 2 diabetes in Vietnam: a cross-sectional, prevalence-based cost-of-illness study", Diabetes Metab Syndr Obes, 10, 363-374.
8. Tuong T. T. K., et al. (2020), "Non-Alcoholic Fatty Liver Disease in Patients with Type 2 Diabetes: Evaluation of Hepatic Fibrosis and Steatosis Using Fibroscan", Diagnostics (Basel), 10(3).
9. Ndako James A., et al. (2020), "Studies on the prevalence of Hepatitis C virus infection in diabetic patients attending a tertiary health-care facility South-west Nigeria", BMC Infectious Diseases, 20(1), 664.