KHẢO SÁT VI SINH TRÊN BÀN TAY TRƯỚC VÀ SAU KHI RỬA TAY CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ ĐỒNG NAI THỰC TẬP BỆNH VIỆN, NĂM 2023

Nguyễn Thị Phương Thảo 1,, Lâm Văn Minh 2, Vũ Minh Hữu 3, Nguyễn Thị Kim Ngân 1
1 Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai
2 Bệnh viện Chợ Rẫy
3 Bệnh viện Đa khoa Khu vực Định Quán

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu: Nhiễm khuẩn bệnh viện là câu chuyện nóng của ngành y tế trong những năm gần đây. Theo thống kê, tỷ lệ Nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm khoảng 5 - 10% ở các nước phát triển và 15 - 20% ở các nước đang phát triển [1]. Hậu quả của Nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính bệnh nhân, gia đình và xã hội, có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, tăng chi phí cho y tế đồng thời ảnh hưởng đến uy tín và tăng gánh nặng cho các cơ sở y tế. Nguyên nhân gây Nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuất phát từ môi trường ô nhiễm, bệnh truyền nhiễm, xử lý dụng cụ chưa đúng cách trong đó sự lây truyền qua bàn tay nhân viên y tế là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Tuy nhiên bệnh viện thường chỉ tiến hành khảo sát trên nhân viên y tế của BV mà bỏ sót một lực lượng rất lớn cũng đang làm tại các khoa phòng đó là Sinh viên thực tập. Đây có thể là một nguồn lây nhiễm lớn vì sinh viên chưa có ý thức đầy đủ trong việc rửa tay và kinh nghiệm thực tế về an toàn sinh học còn chưa nhiều. Do đó rất dễ làm lây nhiễm tác nhân gây bệnh đến bệnh nhân và dụng cụ y tế. Vì thế việc khảo sát vi sinh trên bàn tay của sinh viên thực tập tại bệnh viện cũng rất quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Việc này cũng giúp đánh giá được ý thức và kỹ thuật rửa tay của sinh viên nhằm giúp xây dựng chương trình học thực tập bệnh viện cho sinh viên. Mục tiêu: Khảo sát sự hiện diện và phân bố của vi khuẩn trên bàn tay trước và sau khi rửa tay của sinh viên thực tập tại bệnh viện. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Thiết kế cắt ngang mô tả có phân tích trên 82 sinh viên đang đi thực tập tại bệnh viện của trường Đại học Công Nghệ Đồng Nai trong thời gian từ tháng 01/2023 đến tháng 06/2023. Kết quả: Nghiên cứu được khảo sát trên 82 sinh viên đang thực tập tại bệnh viện cho thấy trước khi rửa tay có 71 (86,6%) tay sinh viên thực tập mang từ 1-4 loại vi khuẩn. Sau khi rửa tay tỷ lệ giảm xuống còn 35 (42,7%) tay sinh viên thực tập có vi khuẩn. Tần suất xuất hiện của Staphylococcus aureus từ 24 ca (29,3%) xuống còn 6 ca (7,3%); Klebsiella pneumoniae từ 7 ca (8,5%) xuống còn 2 ca (2,4%); Staphylococci coagulase (-) từ 69 ca (84,1%) xuống còn 30 ca (36,6%); Escherichia coli từ 5 ca (6,1%) xuống còn 0 ca (0%); Cầu khuẩn (-) từ 9 ca (11%) xuống còn 8 ca ( 9,8%); Bacillus từ 10 ca (12,2%) xuống còn 6 ca (7,2%); Nấm từ 6 ca (7,3%) xuống còn 3 ca (3,7%). Kết luận: Sinh viên có thái độ tích cực với việc rửa tay làm tăng tỷ lệ thực hành vệ sinh tay và từ đó giảm thiểu sự xuất hiện của vi khuẩn trên bàn tay.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Việt Hùng (2010), “Vệ sinh tay”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
2. Mai Thị Tiết (2014), "Giám sát nhiễm khuẩn vết mổ của 810 người bệnh có phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai", Tạp Chí Y Học Thực Hành, 904, 53-56.
3. P. Prabhakar, D. Raje, D. Castle và các cộng sự (1983), "Nosocomial surgical infections: incidence and cost in a developing country", Am J Infect Control, 11(2), 51-56
4. Phan Thị Lụa, Hoàng Thị An Hà, Cao Trường Sinh (2021), “Khảo sát hệ vi khuẩn bàn tay của nhân viên y tế bênh viện Trường Đại học Y khoa Vinh năm 2021”, Tạp chí Y học Việt Nam, tập 524. 03/2023, tr. 261.
5. Bộ Y tế (2007), "Huớng dẫn thực hiện quy trình vệ sinh tay thường quy và sát khuẩn tay nhanh bằng dung dịch chứa cồn", Công văn số 7517/BYT-ÐTr ngày 12/10/2007
6. Trần Thái Phúc, Tăng Thị Hảo (2020), “Đánh giá kiến thức thái độ và thực hành rửa tay thường quy (RTTQ) của ĐDV tại các khoa lâm sàng của Bệnh viện Nhi Thái Bình năm 2020”, Tạp chí y học cộng đống, Tập 62, Số 2 (2021).
7. Trần Thị Nga, Nguyễn Huyền Trang (2021), “Kiến thức, thực hành vệ sinh tay của nhân viên ytế bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Sơn La năm 2021”, Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển, Tập 05, Số 06-2021.
8. Nguyễn Thị An, Đỗ Thị Vân Anh và Nguyễn Thị Ánh Hồng (2010), “Khảo sát vi sinh trên bàn tay trước và sau khi rửa tay của nhân viên y tế bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2010”, Nghiên cứu Y học TP. Hồ Chí Minh, Tập 15, Phụ bản của Số 3 - 2011