PHƯƠNG THỨC VÀ BIẾN CHỨNG LỌC MÁU LIÊN TỤC Ở TRẺ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Nguyễn Hà Phương1, Phùng Nguyễn Thế Nguyên2,
1 Bệnh viện TP. Thủ Đức
2 Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Lọc máu liên tục là tập hợp các phương thức điều trị nhằm loại bỏ ra khỏi máu liên tục và chậm rãi các chất độc (nội sinh hoặc ngoại sinh), dịch và điện giải. Được chỉ định chọn lọc, ở bệnh nhân có hoặc không có suy thận. Nghiên cứu này mô tả tỷ lệ các phương thức lọc, số lần lọc, thời gian lọc máu và biến chứng liên quan đến kỹ thuật lọc máu ở trẻ sốt xuất huyết dengue. Đối tượng và phương pháp: mô tả 40 trẻ sốt xuất huyết dengue nặng được lọc máu liên tục tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ 01/01/2017 đến 31/12/2021. Kết quả: Phương thức lọc máu: có 18 bệnh nhân (45,0%) được lọc máu liên tục bằng phương thức CVVHDF đơn thuần, 18 bệnh nhân (45,0%) được lọc máu liên tục bằng phương thức CVVHDF kết hợp với thay huyết tương và 10% bệnh nhân được lọc máu bằng phương thức CVVH. Không có bệnh nhân được lọc máu liên tục bằng phương thức CVVHD hoặc kết hợp 2 phương thức lọc máu trên cùng 1 bệnh nhân. Có 2 (5,0%) trường hợp được khởi động và hoàn tất thay huyết tương chu kỳ đầu trong 24 giờ đầu lọc máu liên tục, 16 trường hợp (40,0%) thay huyết tương kết hợp lọc máu liên tục còn lại đều khởi động sau 24 giờ đầu tiên lọc máu, không có trường hợp nào vừa lọc máu và thay huyết tương đồng thời. Thông số kỹ thuật: Thời điểm lọc máu chủ yếu là ngày thứ 7 của bệnh, trường hợp được lọc máu liên tục sớm nhất là ngày thứ 5 của bệnh và trễ nhất là ngày thứ 14 của bệnh. Thời gian lọc máu liên tục thay đổi theo từng bệnh nhân, kết thúc sớm nhất là 25 giờ và kéo dài nhất là 668 giờ 15 phút. Tốc độ bơm máu: 4,8 ± 0,9 ml/kg/giờ; thể tích dịch thẩm tách: 29,2 ± 8,9 ml/kg/giờ; thể tích dịch thay thế: 28,9 ± 13,8 ml/kg/giờ; thể tích dịch lấy ra 3,1 (2,1 – 4,3) ml/kg/giờ, liều lọc máu: 55,2 ± 14,9 ml/kg/giờ. Tất cả bệnh nhân không dùng Heparin chống đông liều tấn công; 32,5% bệnh nhân dùng Heparin liều duy trì. Biến chứng của lọc máu liên tục: biến chứng thường gặp là đông màng lọc 57,5% và hạ thân nhiệt 55,0%; tiếp theo đó là các biến chứng liên quan đến bệnh nhân như giảm tiểu cầu 30%, hạ huyết áp 22,5%, xuất huyết phổi sau khi tiến hành lọc máu 15,0%. Có 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng huyết liên quan đến catheter khi cấy máu ra tác nhân Klebsiellae spp và nấm Candida spp. Kết luận: 90% bệnh nhân được lọc máu liên tục bằng phương thức CVVHDF đơn thuần hoặc CVVHDF kết hợp thay huyết tương. Tất cả bệnh nhân đều không dùng Heparin chống đông liều tấn công. Thời điểm lọc máu thường là vào ngày thứ 7 của bệnh. Thời gian lọc máu liên tục thay đổi theo từng trường hợp bệnh nhân. Đông màng là biến chứng thường gặp nhất, kế đó là hạ thân nhiệt, giảm tiểu cầu, hạ huyết áp.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Minh Tiến (2011), "Lọc máu liên tục trong sốc sốt xuất huyết Dengue biến chứng suy đa cơ quan", Tạp chí Y Học Thành Phố Hồ Chí Minh, 15(3),140-7.
2. Nguyễn Minh Tiến, Phạm Văn Quang, Phùng Nguyễn Thế Nguyên, và cộng sự (2016), "Kết quả lọc máu liên tục trong điều trị sốc sốt xuất huyết dengue biến chứng suy đa cơ quan tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 2004-2016", Tạp chí Y Học Thành Phố Hồ Chí Minh, 20(4),7-15.
3. Võ Thị Hồng Tiến (2020), "Lọc máu liên tục ở trẻ sốc nhiễm khuẩn tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 2", [Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú, chuyên ngành Nhi khoa].
4. Farahnak Assadi, Fatemeh Ghane Sharbaf (2016), "Pediatric Continuous Renal Replacement Therapy", Springer,37.
5. A. Khwaja (2012), "KDIGO clinical practice guidelines for acute kidney injury", Nephron Clin Pract, 120(4),c179-84.
6. Junjing Zha, Chuan Li, Gaoxiang Cheng, Lijuan Huang, Zhaoqing Bai, Changtai Fang (2019), "The efficacy of renal replacement therapy strategies for septic-acute kidney injury: A PRISMA-compliant network meta-analysis", Medicine, 98,e15257.