KHẢO SÁT TỈ LỆ TRẦM CẢM VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TRÊN PHỤ NỮ MANG THAI Ở 3 THÁNG CUỐI THAI KỲ TẠI BỆNH VIỆN NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Thị Trúc Phương Trần 1, Mai Xuân Hồng Tô2,
1 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
2 Trường đại học Y Dược TP.HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Phụ nữ mang thai bị trầm cảm thường có diễn tiến nặng hơn phụ nữ không mang thai vì sự xuất hiện trạng thái lo âu rõ rệt, thậm chí có cơn hoảng loạn, có thể xuất hiện ý định tự hủy hoại bản thân, tự tử. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỉ lệ trầm cảm và các yếu tố liên quan trầm cảm ở phụ nữ mang thai 3 tháng cuối tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bằng việc sử dụng thang đo trầm cảm EPDS. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang đánh giá nguy cơ trầm cảm khảo sát qua 310 phụ nữ mang thai từ ≥ 28 tuần đến khám thai tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong giai đoạn 20/01/2021 – 20/04/2021. Thang đo EPDS phiên bản tiếng Việt sử dụng sàng lọc nguy cơ trầm cảm ở tất cả phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, với điểm cắt ≥ 13 điểm được xem là có nguy cơ trầm cảm trước sinh. Các thai phụ có nguy cơ cao được theo dõi bởi chuyên khoa tâm thần và bác sĩ sản khoa cho đến khi sinh và đánh giá các biến cố khi sinh. Kết quả: Tỷ lê thai phụ mang thai giai đoạn ≥28 tuần có nguy cơ trầm cảm trước sinh (EPDS ≥ 13) chiếm 28,7% [KTC95%: 23,2 – 33,5]. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến sự xuất hiện trầm cảm trước sinh bao gồm: thai phụ thuộc nhóm tuổi >25 tuổi tăng nguy cơ TCTS gấp 3,9 lần (KTC 95%: 1,3 - 12,5, p=0,018), thai phụ không tôn giáo và có tình trạng kinh tế khó khăn (tăng TCTS lần lượt là 7,01 lần [KTC 95%: 1,1 - 8,1, p=0,036]  và 3,03 lần [KTC 95%: 1,1 - 8,1, p=0,026]. Trạng thái tinh thần không ổn định (thai phụ có lo lắng trong quá trình mang thai), các xung đột trong mối quan hệ (bất hoà với gia đình chồng và thiếu người tâm sự) làm tăng nguy cơ TCTS lần lượt  8,5 lần [KTC 95%: 3,9-18,3; p=0,000] 6,3 lần [KTC 95%: 1,6-25,3; p=0,009] và gấp 2,7 lần [KTC 95%: 1,2-6,1; p=0,019]. Thai phụ không nhận được tư vấn từ cán bộ Y tế tăng nguy cơ TCTS gấp 2,5 lần [KTC 95%:1,1-5,4; p=0,019]. Kết luận: Trầm cảm trước sinh cần được sàng lọc và điều trị kịp thời để hạn chế các kết cục thai kỳ xấu cho thai phụ và thai nhi. Sử dụng thang đo EPDS với điểm cắt ≥ 13 là một công cụ hữu hiệu trong tầm soát nguy cơ trầm cảm trước sinh.

Chi tiết bài viết