ĐẶC ĐIỂM LIPID MÁU Ở TRẺ HỘI CHỨNG THẬN HƯ TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mở đầu: Hội chứng thận hư (HCTH) là bệnh lý cầu thận thường gặp nhất ở trẻ em. Tình trạng bệnh có thể dẫn đến các biến chứng, một trong số đó là vấn đề rối loạn lipid máu (RLLPM). Tại Việt Nam chỉ có 1 nghiên cứu về RLLPM ở trẻ HCTH kháng Steroids. Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả 126 trường hợp HCTH trên 2 tuổi tại bệnh viện Nhi Đồng 1 từ tháng 11/2022 đến tháng 06/2023. Tiêu chuẩn chẩn đoán HCTH bao gồm: đạm niệu 24 giờ > 50 mg/kg hoặc tỉ số protein/creatinin niệu > 200 mg/mmol. Tiêu chí loại ra gồm: (1) trẻ có các bệnh lý cầu thận khác ngoài HCTH như bệnh thận IgA, Lupus đỏ hệ thống, viêm cầu thận do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc tự miễn; (2) trẻ có tiền căn RLLPM có tính gia đình. Xét nghiệm lipid máu được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu đầu tiên vào buổi sáng, dặn dò ba mẹ trẻ vào tối hôm trước, đảm bảo trẻ nhịn đủ 8 giờ trước khi lấy máu. Ngưỡng cắt để phân loại nồng độ lipid máu được dựa trên hướng dẫn của Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kì. Kết quả: Trong 126 trẻ có 23 trường hợp mới chẩn đoán lần đầu và 103 trường hợp đang điều trị; có 93 trẻ nam và 33 trẻ nữ, tuổi khởi phát bệnh trung bình là 5,8 ± 3,9 tuổi; có 70 trường hợp được sinh thiết thận với 49 trường hợp MCD (70,0%) và 21 trường hợp FSGS (30,0%). Ở nhóm trẻ đang điều trị, thời gian dùng Steroids trung bình là 4,3 ± 4,0 năm; có 35 trẻ nhạy Steroids (34,0%), 60 trẻ kháng Steroids (58,2%) và 8 trẻ kháng CsA (7,8%); có 48 trường hợp lui bệnh (46,6%) và 55 trường hợp không lui bệnh (53,4%). Nồng độ trung bình các chất trong bilan lipid máu ở nhóm nghiên cứu đều tăng cao so với giá trị bình thường, cụ thể: TC 10,9 ± 5,6 mmol/L, TG 3,6 ± 2,8 mmol/L, LDL-C 7,3 ± 4,4 mmol/L, HDL-C 2,0 ± 0,7 mmol/L. Nồng độ các chất này ở nhóm trẻ đạt lui bệnh giảm đáng kể tuy nhiên vẫn còn cao so với giá trị bình thường: TC 6,8 ± 3,6 mmol/L, TG 2,5 ± 1,4 mmol/L, LDL-C 4,1 ± 2,9 mmol/L, HDL-C 1,6 ± 0,6 mmol/L. Tỉ lệ tăng TC máu ở nhóm không lui bệnh là 92,7% cao hơn có ý nghĩa thống kê so với 60,4% ở nhóm lui bệnh (P < 0,01). Tỉ lệ tăng LDL-C máu ở nhóm không lui bệnh là 90,9% cao hơn có ý nghĩa thống kê so với 43,8% ở nhóm lui bệnh (P < 0,01). Không có sự khác biệt về tỉ lệ tăng TG máu ở 2 nhóm trẻ lui bệnh và không lui bệnh. Nồng độ albumin máu trung bình ở các nhóm tăng TC máu; tăng TG máu; tăng LDL-C máu so với các nhóm có bilan lipid máu bình thường lần lượt là 2,2 ± 1,1 g/dl và 3,8 ± 0,8 g/dl (P < 0,01); 2,3 ± 1,2 g/dl và 3,5 ± 0,8 g/dl (P < 0,01); 2,0 ± 1,0 g/dl và 3,8 ± 0,7 g/dl (P < 0,01). Kết luận: Ở trẻ HCTH, tất cả các chỉ số trong bilan lipid máu đều tăng cao, kể cả HDL-C máu. Ở nhóm trẻ lui bệnh, nồng độ các chất này mặc dù đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao so với giá trị bình thường. Dạng RLLPM chủ yếu ở trẻ HCTH là tăng TC máu và tăng LDL-C máu. Các yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng ảnh hưởng đến tình trạng RLLPM là: mức độ phù, mức độ tiểu đạm, nồng độ albumin máu và mức độ đáp ứng điều trị.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Hội chứng thận hư, rối loạn lipid máu
Tài liệu tham khảo
2. Nguyễn Đức Quang (2020). "Hội chứng thận hư trẻ em". Phác đồ điều trị nhi khoa 2020, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhà xuất bản Y Học TP.HCM, pp. 836-847.
3. American Academy of Pediatrics, Guideline Pediatrics Practice (2012). "Expert Panel on Integrated Pediatric Guideline for Cardiovascular Health and Risk Reduction". Pediatrics, 129 (4), pp. e1111.
4. Dnyanesh DK et al (2014). "A Study of Serum Lipids in Nephrotic Syndrome in Children". IOSR Journal of Dental and Medical Sciences, 13 (3), pp. 1-6.
5. Indumati V, Krishnaswamy D, Satishkumar D, et al. (2011). "Serum proteins, initial and follow-up lipid profile in children with nephrotic syndrome". International Journal of Applied Biology and Pharmaceutical Technology, 2 (3), pp. 59-63.
6. Kari JA et al (2012). "lipoprotein (a) and other dyslipidemia in Saudi children with nephrotic syndrome". Journal of Health Science, 2 (6), pp. 57-63.
7. Mérouani A, Lévy E, Mongeau JG, et al. (2003). "Hyperlipidemic profiles during remission in childhood idiopathic nephrotic syndrome". Clinical Biochemistry, 36 (7), pp. 571-574.
8. Screenivasa B, Sunil Kumar P, Suresh Babu M.T, et al. (2015). "serum lipid profiles during onset and remission of steroid sensitive nephrotic syndrome in children". BMR Medicine,1 (1), pp. 1-4.