ĐÁNH GIÁ AN TOÀN PHẪU THUẬT NỘI SOI CÓ ROBOT HỖ TRỢ CẮT BÀNG QUANG TẬN GỐC TẠO HÌNH BÀNG QUANG TRỰC VỊ
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc và tạo hình trực vị là một phẫu thuật phức tạp, ảnh hưởng không chỉ đến hệ thống tiết niệu sinh dục mà còn đến hệ thống tiêu hóa. Chúng tôi muốn áp dụng các tiêu chuẩn của thang điểm Clavien – Dindo (CDC) để đánh giá tính an toàn của phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ cắt bàng quang tận gốc và tạo hình trực vị bằng hồi tràng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi tiến hành theo dõi các người bệnh đã thực hiện phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc và tạo hình bàng quang trực vị bằng phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2022 tại bệnh viện Bình Dân. Chúng tôi ghi nhận các biến chứng xảy ra trong vòng 90 ngày sau phẫu thuật và phân loại chúng theo hệ thống CDC. Kết quả: Trong tổng số 48 người bệnh, chúng tôi ghi nhận tổng cộng 52 biến chứng sau phẫu thuật, xuất hiện ở 23 người bệnh (47,9%). Trong số này, có 9 trường hợp biến chứng nặng (đạt mức ≥ 3 theo tiêu chuẩn CDC) xảy ra trên 8 người bệnh (16,6%). Các biến chứng phổ biến bao gồm: 21 trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu (43,8%), 5 trường hợp nhiễm trùng vết mổ (10,4%) và 12 trường hợp liệt ruột kéo dài (25,0%). Ngoài ra, chúng tôi cũng ghi nhận 3 trường hợp hẹp miệng nối niệu quản - bàng quang tân tạo (6,25%), 2 trường hợp rò bàng quang tân tạo (4,17%), và 1 trường hợp tắc ruột non (2,08%). Lượng máu mất trung bình là 335,6ml, thời gian phẫu thuật trung bình là 378 phút, và thời gian nằm viện trung bình là 6,4 ngày. Kết luận: Phần lớn các biến chứng sau phẫu thuật đều là biến chứng nhẹ theo CDC. Tuy nhiên, với tất cả các người bệnh đã thực hiện tạo hình bàng quang trực vị bằng ruột, chúng tôi khuyến nghị cần theo dõi sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
cắt bàng quang tận góc có rô bốt hỗ trợ, biến chứng sau mổ, bàng quang tân tạo.
Tài liệu tham khảo
2. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Trần Vĩnh Hưng, Đỗ Vũ Phương, Văn Thành Trung (2017) "Phẫu thuật robot cắt bàng quang tận gốc, tạo hình bàng quang bằng hồi tràng nối thẳng: báo cáo một trường hợp đầu tiên", Tạp chí Y Dược học, Số đặc biệt tháng 8 - 2017, 217-233.
3. Al-Daghmin A, Aboumohamed A, Din R, et al. (2014). “Readmission after robot-assisted radical cystectomy: outcomes and predictors at 90-day follow-up”. Urology, 83(2):350–356.
4. Chung U, Minyong K, et al. (2019) “Predictors of postoperative complications after robot-assisted radical cystectomy with extracorporeal urinary diversion”. Cancer Management and Research, 11, 5055-5063.
5. Garcia M, Jemal A., Ward E. (2007) "Global Cancer Facts and Figs 2007", American Cancer Society, 24(6), 125-128.
6. Konety B. R, Carroll P. R. (2013) "Urothelial Carcinoma: Cancers of the Bladder, Ureter, & Renal Pelvis", Smith & Tanagho’s General Urology, McAninch J. W., 18 th ed, The McGraw-Hill Companies, 310-325.
7. Nazmy M, Yuh B, Kawachi M, et al. (2014) “Early and late complications of robot-assisted radical cystectomy: a standardized analysis by urinary diversion type”. J Urol. 191(3).
8. Yuh B, Torrey RR, Ruel NH, et al. (2014) “Intermediate-term oncologic outcomes of robot-assisted radical cystectomy for urothelial carcinoma.” J Endourol. 28(8):939–945.