ĐẶC ĐIỂM RỐI LOẠN ĐÔNG MÁU Ở TRẺ MẮC COVID-19 CÓ SỬ DỤNG KHÁNG ĐÔNG TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1 NĂM 2021-2022

Nguyễn Văn Nghĩa 1, Phùng Nguyễn Thế Nguyên1,2, Nguyễn Thị Mai Anh 1,2, Trần Thanh Thức1,2,
1 Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
2 Bệnh viện Nhi Đồng 1

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Xác định tỷ lệ, trung bình (trung vị) các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, đặc điểm rối loạn đông máu ở trẻ mắc COVID-19. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca, hồi cứu 181 trẻ mắc COVID-19 có sử dụng kháng đông nhập khoa Hồi sức Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ 01/07/2021 đến 30/04/2022. Kết quả: Tuổi trung vị là 20 tháng, 51,4% trường hợp dưới 12 tháng. Nam chiếm ưu thế với tỷ lệ nam/nữ là 1,6/1. Có 42,9% trường hợp có bệnh nền đi kèm. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là sốt (79,6%), ho (80,1%), khó thở (59,1%). Có 83 trường hợp (45,9%) mắc COVID-19 mức độ trung bình, 94 trường hợp (51,9%) nặng và 4 trường hợp (2,2%) nguy kịch. Tổn thương phổi thường gặp trên X-quang ngực là đông đặc phổi (49,7%), kế đến là tổn thương mô kẽ (31,3%). Tình trạng rối loạn đông máu gặp ở 90,1% các trường hợp; trong đó 70,7% các trường hợp có tình trạng tăng đông, 1,1% có rối loạn giảm đông và 19,3% có rối loạn đông máu hỗn hợp. Tỷ lệ giới nữ và giá trị ferritin cao hơn ở nhóm có rối loạn đông máu, khác biệt có ý nghĩa thống kê. Kết luận: Rối loạn đông máu, đặc biệt là tình trạng tăng đông, thường gặp ở trẻ mắc COVID-19.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Thúy Hà, Nguyễn Thị Phương Mai, Nguyễn Thị Thanh Mai. Đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm và X-quang của trẻ em mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 8, tỉnh Nghệ An. Tạp Chí Y học Việt Nam. 2023; 527(1B).
2. Nguyễn Anh Trí. Đông máu ứng dụng trong lâm sàng. Nhà xuất bản Y học. 2008.
3. Boyarchuk O, Perestiuk V, Kosovska T, et al. Coagulation profile in hospitalized children with COVID-19: pediatric age dependency and its impact on long COVID development. Front. Immunol. 2024; 15:1363410.
4. Mucha S.R., Dugar S., McCrae K., et al. Coagulopathy in COVID-19: Manifestations and management. Cleve Clin J Med. 2020; 87(8): 461-468.
5. Nguyen PNT, Thuc TT, Hung NT, et al. Risk factors for disease severity and mortality of children with Covid-19: A study at a Vietnamese Children's hospital. J Infect Chemother. 2022; 28(10):1380-1386.
6. Noni M, Koukou DM, Tritzali M, et al. Coagulation Abnormalities and Management in Hospitalized Pediatric Patients With COVID-19. Pediatr Infect Dis J. 2022; 41(7):570-574.
7. Schultz CM, Burke LA, Kent DA. A Systematic Review and Meta-analysis of the Initial Literature Regarding COVID-19 Symptoms in Children in the United States. J Pediatr Health Care. 2023; 37(4):425-437.
8. Yalçın G and Anıl M. Evaluation of Inflammatory Markers in COVID-19 Disease in Children. J Pediatr Inf. 2022; 16(4): e246-e252.