ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG CỦA BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC CẦN SA, CẦN SA TỔNG HỢP TẠI TRUNG TÂM CHỐNG ĐỘC BỆNH VIỆN BẠCH MAI

Công Thép Bùi 1,, Thị Xuân Đặng 2, Trần Hưng Hà 1,2
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của ngộ độc cần sa (THC) và một số cần sa tổng hợp (CSTH). Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả tiến cứu trên 48 bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cấp cần sa, cần sa tổng hợp điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 2/2020 đến 8/2021. Kết quả: Trong số bệnh nhân nghiên cứu có 39 bệnh nhân nam (81,3%), tuổi trung bình là 28,1 ± 11,5 (13–61) tuổi. Thời gian trung bình xuất hiện triệu chứng ngộ độc là 9 ± 6,6 phút, dạng chất sử dụng chủ yếu là sợi thực vật 54,2 %, hình thức sử dụng hút thuốc chiếm 87,5%, nhỏ dưới lưỡi 8,3%, ăn uống (4,2%), xịt họng (2,1%). Các triệu chứng nhiễm độc thần kinh và tâm thần xuất hiện sớm ngay sau khi ngộ độc chóng mặt, mất điều hòa hoặc giảm khả năng phối hợp động tác (64,6%), kích động 47,9%, ảo thanh, ảo thị (45,8%), giảm ý thức, ngất (33,3%), co giật (20,8%), hoang tưởng bị hại (16,7%), khó thở (35,4%). Cận lâm sang: toan chuyển hóa 12,8 %, tiêu cơ vân cấp 10,4 %, hạ kali máu 47,9 %. Rối loạn nhịp tim thường gặp nhất là nhịp nhanh xoang (35,4%), nhịp chậm xoang (2,1%) và loạn nhịp xoang 1 bệnh nhân (2,1%). Nhóm bệnh nhân ngộ độc cần sa tổng hợp xu hướng xuất hiện các triệu chứng rầm rộ, nguy hiểm đến tính mạng nhiều hơn so với nhóm THC. Kết luận: Nghiên cứu cho thấy các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân ngộ độc Cần sa, Cần sa tổng hợp, giúp ích cho xử trí sớm cũng như tiên lượng được các biến chứng.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. WHO Cannabis. WHO. https:// www.who.int/substance_abuse/facts/cannabis/en/. Accessed May 5, 2020.
2. Sharma P, Murthy P, Bharath MMS. Chemistry, Metabolism, and Toxicology of Cannabis: Clinical Implications. Iran J Psychiatry. 2012;7(4):149-156.
3. Tournebize J, Gibaja V, Kahn JP. Acute effects of synthetic cannabinoids: Update 2015. Subst Abuse. 2017;38(3):344-366. doi:10.1080/ 08897077.2016.1219438
4. Noble MJ, Hedberg K, Hendrickson RG. Acute cannabis toxicity. Clin Toxicol. 2019;57(8):735-742. doi:10.1080/15563650.2018.1548708
5. Hoyte CO, Jacob J, Monte AA, Al-Jumaan M, Bronstein AC, Heard KJ. A characterization of synthetic cannabinoid exposures reported to the National Poison Data System in 2010. Ann Emerg Med. 2012;60(4):435-438. doi:10.1016/ j.annemergmed.2012.03.007.