KHẢO SÁT TÁC NHÂN VI SINH VẬT GÂY BỆNH VIÊM NHIỄM SINH DỤC DƯỚI Ở PHỤ NỮ KHÁM PHỤ KHOA VÀ YẾU TỐ LIÊN QUAN

Đình Hùng Trần 1, Gia Phú Tào 2, Thị Thùy Trang Hoàng 3, Bảo Trâm Trần 4, Văn Chương Lê 5,
1 Bệnh viện FV
2 Trường Đại học Trà Vinh
3 Bệnh viện Hùng Vương
4 Viện Y tế Công cộng TP.HCM
5 Đại học Y Dược TP.HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Viêm nhiễm sinh dục dưới là một bệnh phụ khoa thường gặp có khả năng tái phát bệnh nhiều lần. Tuy không phải là bệnh cấp cứu gây tử vong ngay, nhưng bệnh lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể dẫn đến tình trạng vô sinh, và một số biến chứng phụ khoa khác làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đến công việc hàng ngày và tốn kém về kinh phí khám chữa bệnh. Mục tiêu: Nghiên cứu được thực hiện nhằm mô tả tình hình các vi sinh vật gây bệnh viêm nhiễm sinh dục dưới các đặc điểm dịch tễ cũng như các yếu tố liên quan đến bệnh. Phương pháp nghiên cứu: Với phương pháp cắt ngang mô tả 346 đối tượng khám phụ khoa, tại khoa khám bệnh A, bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin được thu thập bằng phiếu điều tra, sử dụng bảng câu hỏi và hồ sơ bệnh án, số liệu thu thập được xử lý và phân tích bằng phần mềm STATA. Kết quả: Viêm nhiễm sinh dục dưới chiếm 41,91%, trong đó nhóm vi nấm có tỷ lệ cao nhất (80,69%), nhóm vi khuẩn 14,48%, nhóm có tỷ lệ thấp nhất là ký sinh trùng (Trichomonas vaginalis) 4,83%. Đến khám bệnh phụ khoa đa số là phụ nữ <50 tuổi chiếm đến 88,44%, ≥50 tuổi (11,56%); sinh sống ở khu vực thành thị 62,43%, nông thôn chiếm 37,57%. Nguồn nước máy sinh hoạt chiếm tỷ lệ 74,83%; nguồn nước khác (25,14%). Các yếu tố liên quan bao gồm: ẩm ướt vùng kín, ngứa, đau rát âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, sử dụng các biện pháp ngừa thai, sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ tình dục, tiền sử viêm âm đạo, tiền sử phá thai. Kết luận: Nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh vẫn còn cao và nhiều yếu tố liên quan đến bệnh, vì vậy, cần phải tiếp tục tăng cường công tác giáo dục phòng bệnh.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Đình Long (2015). "Thực trạng bệnh viêm nhiễm đường sinh dục dưới ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại một số công ty may Tỉnh Nghệ An năm 2014". Tạp chí Y học dự phòng, Tập XXV, Số 8 (168) pp. 319 - 325.
2. Cao Ngọc Thành, Nguyễn Vũ Quốc Huy, Võ Văn Khoa, Phạm Mai Lan (2017)."Nghiên cứu tình hình viêm nhiễm đường sinh dục thấp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế". Tạp Chí Y Dược Học - Trường Đại Học Y Huế tập 7, số 4.pp. 83 - 89.
3. Trần Phước Gia, và cộng sự (2017). Xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn âm đạo và một số yếu tố liên quan ở thai phụ ba tháng cuối thai kỳ tại Bệnh Viện Phụ Sản Thành Phố Cần Thơ.Bệnh Viện Phụ Sản Thành Phố Cần Thơ.pp. 1 - 10.
4. Trần Thị Lợi, Ngũ Quốc Vĩ (2009). "Tỷ lệ viêm âm đạo và các yếu tố liên quan ở phụ nữ đến khám phụ khoa tại Bv. đa khoa Trung Ương Cần Thơ". Tạp chí y Học Thành Phố Hồ Chí Minh.13 pp. 1-7.
5. Trang Thị Hồng Nhung Một số đặc điểm cận lâm sàng giúp định danh tác nhân viêm âm đạo". Tạp chí y học Việt Nam Tập 513- tháng 4 -số 1 pp. 227 - 231.
6. Vũ Thị Thúy Mai (2019)."Phòng chống bệnh viêm nhiễm đường sinh dục dưới của phụ nữ từ 18-49 tuổi tại Thành phố Nam Định". Khoa học Điều dưỡng - Tập 02 - Số 02.pp. 53 - 60.