ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, XQUANG GÃY PHỨC HỢP GÒ MÁ CUNG TIẾP TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC NĂM 2021 – 2022

Đức Thành Đậu 1,, Hồng Hà Nguyễn 1
1 Bệnh viện Việt Đức

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, xquang của bệnh nhân gãy phức hợp gò má cung tiếp (GMCT) được điều trị tại khoa Phẫu thuật hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2021 – 2022. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 305 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị gãy phức hợp GMCT tại khoa Phẫu thuật hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, bệnh viện Việt Đức từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022. Đối tượng nghiên cứu được khai thác tiền sử, khám lâm sàng, chụp xquang để ghi nhận các chỉ số nghiên cứu. Kết quả: Đối tượng nghiên cứu có tuổi trung bình 30,5 ± 11,6 tuổi, tỷ lệ nam/ nữ = 6,8; nguyên nhân chủ yếu do tai nạn giao thông với 94,8%. Về lâm sàng: dấu hiệu đau chói tại điểm gãy chiếm tỷ lệ cao nhất với tỷ lệ 92,8%, tiếp đến là dấu hiệu sưng nề phần mềm (91,8%), bầm tím quanh hốc mắt (90,8%), gián đoạn xương (82,6%), lõm bẹt gò má (69,5%). Về Xquang: 100% sử dụng phim CT scanner. Vể phân loại gãy xương GMCT theo Knight – North, gãy xương cung tiếp đơn thuần chiếm 3,9%, gãy xương GMCT không di lệch chiếm 2,3%, gãy thân xương gò má không xoay chiếm 29,2%, gãy thân xương gò má xoay ra ngoài chiếm 23,6%, gãy thân xương gò má xoay vào trong chiếm 28,5%, gãy xương GMCT phức tạp chiếm 12,5%. Về các tổn thương phối hợp: các tổn thương vùng mặt phối hợp thường gặp là xoang (93,1%), vết thương vùng mặt (57,7%), gãy xương hàm trên (36,1%); các tổn thương cơ quan khác phối hợp gồm chấn thương sọ não chiếm tỷ lệ cao nhất với 36,1%, chấn thương chi cũng chiếm tỷ lệ khá cao với 24,3%, chấn thương ngực là 6,9%, chấn thương bụng là 2,3%, chấn thương cột sống (1,6%). Kết luận: Gãy xương GMCT chủ yếu gặp ở đối tượng nam giới trẻ tuổi, thường từ 16 – 30 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là tai nạn giao thông. Triệu chứng lâm sàng thường thường khá đa dạng và được phát hiện đầy đủ trên phim CT scanner. Các tổn thương vùng mặt phối hợp thường gặp là xoang, vết thương vùng mặt, gãy xương hàm trên. Gãy xương GMCT kèm theo các tổn thương ở các cơ quan khác với tỷ lệ khá cao như chấn thương sọ não, chấn thương chi.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Lâm Ngọc Ấn và cộng sự. Chấn thương hàm mặt do nguyên nhân thông thường. Kỷ yếu công trình khoa học 1975 – 1993, Viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh. 1993:127 – 131.
2. Rothweiler R, Bayer J, Zwingmann J, et al. Outcome and complications after treatment of facial fractures at different times in polytrauma patients. Journal of Cranio-Maxillofacial Surgery. 2018;46(2):283-287.
3. Trương Mạnh Dũng. Nghiên cứu lâm sàng và điều trị gãy xương gò má – cung tiếp [Luận án tiến sĩ Y học], Đại học Y Hà Nội; 2002.
4. Hwang K, Kim DH. Analysis of zygomatic fractures. J Craniofac Surg. 2011;22(4):1416-1421.
5. Ungari C, Filiaci F, Riccardi E, Rinna C, Iannetti G. Etiology and incidence of zygomatic fracture: a retrospective study related to a series of 642 patients. Eur Rev Med Pharmacol Sci. 2012;16(11):1559-1562.
6. Nguyễn Xuân Thực. Đặc điểm lâm sàng, xquang gãy xương gò má cung tiếp tại khoa răng hàm mặt bv Bạch mai. Y học Việt Nam. 2017;452:98-102.
7. Nguyễn Thị Hồng Minh. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị gãy kín phức tạp xương gò má cung tiếp bằng nẹp vít [Luận án chuyên khoa cấp II], Đại học Y Dược Huế; 2008.
8. Hồ Hữu Tiến. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh cắt lớp vi tính và kết quả phẫu thuật gãy phức hợp gò má có chấn thương thành ổ mắt [Luận án chuyên khoa cấp II], Đại học Y dược Huế; 2017.