MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN KIẾN THỨC VỀ SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA NỮ VỊ THÀNH NIÊN TẠI THỊ XÃ HOÀNG MAI, TỈNH NGHỆ AN NĂM 2022

Thị Bích Nguyệt Nguyễn 1,, Thị Mai Thơ Nguyễn 1, Thị Quỳnh Hương Hoàng 1
1 Trường Đại học Y khoa Vinh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 đã nhấn mạnh mục tiêu: ít nhất 80% vị thành niên có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản như tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, hậu quả của mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục [1]. Nghiên cứu được tiến hành trên 409 học sinh nữ đang học tại phường trung học cơ sở (THCS) Quỳnh Thiện và trường trung học phổ thông (THPT) Hoàng Mai nằm trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, Nghệ An từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2022. Kết quả thu được: 35,2% đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) có kiến thức chung tốt; 64,8% ĐTNC có kiến thức chung chưa tốt. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê (p < 0.05) giữa đặc điểm cá nhân ĐTNC và kiến thức chung về sức khỏe sinh sản: Nhóm em thuộc giai đoạn vị thành niên (VTN) sớm có khả năng có kiến thức chưa tốt cao hơn nhóm VTN muộn (OR = 10,08). Nhóm em học sinh cấp 2 có khả năng có kiến thức chưa tốt cao hơn nhóm học cấp 3 (OR = 7,26). Nhóm em sống cùng với cả bố và mẹ có khả năng có kiến thức tốt hơn nhóm chỉ sống với bố hoặc mẹ/ người khác (OR = 3,16). Nhóm em đã có kinh nguyệt có khả năng có kiến thức tốt hơn những em chưa có kinh nguyệt (OR = 9,59). Nhóm em đã/đang có người yêu có khả năng có kiến thức tốt hơn nhóm chưa có người yêu (OR = 9,19). Nhóm đã được học về sức khỏe sinh sản (SKSS) ở trường/câu lạc bộ có khả năng có kiến thức tốt hơn nhóm chưa được học về SKSS (OR = 9,04). Những em có mẹ là nông dân có khả năng có kiến thức chưa tốt về SKSS cao hơn nhóm có mẹ làm nghề cán bộ (OR = 2,58).

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y Tế (2020), Kế Hoạch Hành Động Quốc Gia về Chăm Sóc Sức Khỏe Sinh Sản, Sức Khỏe Tình Dục cho Vị Thành Niên, Thanh Niên giai đoạn 2020-2025, Hà Nội.
2. Đào Nguyễn Diệu Trang, Phan Thị Bích Ngọc (2021), Nghiên cứu thực trạng sức khỏe sinh sản và đánh giá hiệu quả của mô hình can thiệp ở nữ vị thành niên huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận án Tiến sỹ Y học, Trường Đại học Y dược Huế, Huế.
3. Hoàng Thị Hoa Lê, Vũ Thị Thơm và các cộng sự (2021), "Thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành về sức khoẻ sinh sản của học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng năm 2019", Tạp chí Y học Dự phòng. 31(1), tr. 256-264.
4. Nguyễn Thanh Phong (2017), Nghiên cứu kiến thức, thái độ, thực hành về các biện pháp tránh thai của sinh viên một số trường đại học/cao đẳng thành phố Hà Nội và hiệu quả giải pháp can thiệp, Luận án Tiến sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
5. Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và Tổng cục Thống kê (2010), Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam 2008 (SAVY2), Hà Nội.
6. Tổng Cục Thống Kê (2020), Kết Quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, Hà Nội.
7. Biruk Beletew Abate, Kalkidan Habtamu Gelaw, et al (2020), "Knowledge Level and Associated Factors of Reproductive Health Issues among Secondary School Students in Woldia Town, Amhara, Ethiopia, 2019: A Cross-Sectional Study", Journal of environmental and public health. 2020, p. 2515292-2515292.
8. Viengnakhone Vongxay, Femke Albers, et al (2019), "Sexual and reproductive health literacy of school adolescents in Lao PDR", PloS one. 14(1), p. e0209675-e0209675.