ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN TRONG PHÒNG CHỐNG NHIỄM VIÊM GAN SIÊU VI B VÀ MỐI LIÊN QUAN ĐẾN TỈ LỆ NHIỄM VIÊM GAN SIÊU VI B MẠN Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TẠI TỈNH TRÀ VINH NĂM 2022

Huỳnh Thị Hồng Nhung1, Tào Gia Phú1,, Nguyễn Thị Mộng Trinh1, Nguyễn Thị Kim Tuyến1, Huỳnh Thị Hồng Ngọc1, Nguyễn Văn Trung1, Nguyễn Huyền Thoại1, Nguyễn Thị Kim Vân1, Lê Minh Hữu2, Nguyễn Thanh Bình1
1 Trường Đại học Trà Vinh
2 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Viêm gan siêu vi B là bệnh truyền nhiễm mạn tính chưa có thuốc điều trị triệt để. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được thông qua nâng cao kiến thức vế bệnh, tiêm vắc xin và thay đổi các hành vi nguy cơ truyền nhiễm. Nghiên cứu thực hiện với mục tiêu: đánh giá về kiến thức và hành vi trong phòng chống nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tại địa bàn tỉnh Trà Vinh. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả. Có 1.289 người dân địa bàn tỉnh Trà Vinh tham gia phỏng vấn và nghiên cứu từ ngày 1/12/2021 đến ngày 1/6/2022. Kết quả: Đa số đối tượng nghiên cứu đã từng có nghe nói về bệnh nhiễm viêm gan siêu vi B mạn, trên phân nửa người dân có biết bệnh có thể gây xơ gan và ung thư gan. Chỉ 38,5% bệnh nhân biết Việt Nam nằm trong vùng dịch của bệnh viêm gan siêu vi B. Hầu hết người dân cho rằng triệu chứng thường gặp của bệnh là vàng da vàng mắt chiếm 48% và có 32,5%. Đa số người dân (80,37%) biết phải xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh. Hầu hết đối tượng nghiên cứu biết rằng viêm gan siêu vi B có thể lây truyền, chiếm 68,5%, tỉ lệ người biết bệnh có thể lây truyền qua dụng cụ tiêm chích, dụng cụ cá nhân dùng chung, mẹ sang con và tình dục lần lượt là 64,39%, 56,79%, 34,76% và 21,18%. Trong nghiên cứu nhận thấy có mối liên quan giữa việc biết đúng biện pháp dự phòng lây bệnh viêm gan siêu vi B và tỉ lệ nhiễm bệnh, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, p=0,005. Kết luận: Tỉ lệ người dân ở tỉnh Trà Vinh có kiến thức về bệnh viêm gan siêu vi B là tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn hạn chế trong kiến thức về đường lây. Việc nâng cao kiến thức phòng lây nhiễm nhất là tuyên truyền về phòng ngừa lây từ mẹ sang con là điểm đáng lưu tâm trong các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng chống nhiễm VGSV B mạn.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. WHO (2020), Hepatitis B, Global HIV, Hepatitis and Sexually Transmitted Infections Programmes, WHO.
2. Bộ Y Tế (2019), Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút B - Ban hành kèm theo Quyết định số: 3310/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế.
3. Nguyễn Đức Cường, Đỗ Quốc Tiệp, Lê Minh Tiến (2017), "Một số đặc điểm nhiễm vi rút viêm gan B trong cộng đồng dân cư người lớn tại tỉnh Quảng Bình năm 2016-2017", Tạp chí Y học dự phòng, 27, tr. 8.
4. Đỗ Thị Thanh Xuân (2003), Nghiên cứu tình trạng sức khỏe và những người nhiễm vi rút viêm gan B và đánh giá tác động của truyền thông giáo dục sức khỏe tại xã An Lưu, Kinh Môn, Đề tài cấp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương
5. Pham Ngoc Thanh, Nguyen Thi Thi Tho, Tran Dac Phu (2020), "Prevalence and factors associated with chronic Hepatitis B infection among adults in the Central Highland, Vietnam", AIMS Medical Science. 4 (4), pp. 337-346.
6. Tạ Văn Trầm, Trần Thanh Hải (2015), "Tỷ lệ mang vi rút viêm gan B trong cộng đồng tỉnh Tiền Giang năm 2015 và các yếu tố nguy cơ", Y Học TP. Hồ Chí Minh. 20 (6), tr. 42 - 49.
7. Nguyễn Thái Hồng, Vi Thị Chuyên (2012), "Khảo sát kiến thức, thực hành về viêm gan B và tỷ lệ các dấu ấn HBeAg, anti HBe ở người có HBsAg dương tính đến xét nghiệm tại trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bắc Kạn năm 2012", Tạp chí Y học dự phòng. 27 (8), tr. 240.
8. Ngô Viết Lộc, Đinh Thanh Huề, Nguyễn Đình Sơn (2010), "Nghiên cứu tình hình nhiễm vi rút viêm gan B ở người từ 6 tuổi trở lên tại tỉnh Thừa Thiên Huế", Tạp chí Y học thực hành. 10 (739), tr. 113 – 115.
9. Lý Văn Xuân, Phan Thị Quỳnh Trâm (2010), "Kiến thức thái độ thực hành về phòng bệnh viêm gan siêu vi B của bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước tháng 3 năm 2009", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh. 14(1).