KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO MICROSPORIDIA BẰNG PHẪU THUẬT GHÉP GIÁC MẠC XUYÊN

Nguyễn Thị Vân Quỳnh1,, Lê Xuân Cung2, Trần Khánh Sâm2, Dương Mai Nga2
1 Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Mắt Trung ương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị viêm loét giác mạc do Microsporidia bằng phẫu thuật ghép giác mạc xuyên tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang kết hợp hồi cứu trên các mắt viêm loét giác mạc do Microsporidia đã được phẫu thuật ghép giác mạc xuyên điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2020. Các chỉ số đánh giá: kết quả bảo tồn nhãn cầu và loại trừ nhiễm trùng, thị lực, độ trong mảnh ghép, biến chứng sau phẫu thuật. Kết quả: Nghiên cứu thực hiện trên 63 mắt của 62 bệnh nhân, 74,6% bệnh nhân là nữ, độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 60,8±10,1 tuổi.  Thời gian theo dõi trung bình 33,5 ± 10,1 tháng. Tỉ lệ bảo tồn nhãn cầu tại thời điểm khám lại chiếm 98,4%. Phẫu thuật loại trừ nhiễm trùng thành công chiếm 84,1%, tỉ lệ mảnh ghép trong 36,7%, tỉ lệ nhiễm trùng sau ghép chiếm 15,9%. Biến chứng sau phẫu thuật phổ biến gồm chậm biểu mô hóa mảnh ghép, phản ứng thải ghép, tăng nhãn áp thứ phát, 2 mắt cần ghép giác mạc xuyên lần 2 do hỏng ghép nguyên phát (1 mắt) và phản ứng thải ghép (1 mắt). Thời điểm khám lại, tỉ lệ mảnh ghép trong chiếm 37,1%. Thị lực sau phẫu thuật có cải thiện so với thị lực trước phẫu thuật. Kết luận: Ghép giác mạc xuyên là phương pháp có thể lựa chọn thay thế điều trị nội khoa trong các trường hợp VLGM do Microsporidia. Phẫu thuật đem lại hiệu quả cao giúp loại trừ tác nhân nhiễm trùng và bảo tồn nhãn cầu.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

. Phạm Ngọc Đông, Đặng Thị Minh Tuệ, Trần Anh Thư. Microsporidia: Tác nhân gây viêm giác mạc nhu mô lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Tạp chí Y Dược học quân sự. 2015.
2. Nguyễn Thị Nga Dương. Nghiên Cứu Đặc Điểm Lâm Sàng, Xét Nghiệm và Kết Quả Điều Trị Viêm Giác Mạc Do Microsporidia. Trường Đại Học Y Hà Nội; 2016.
3. Sabhapandit S, Murthy SI, et al. Microsporidial Stromal Keratitis: Clinical Features, Unique Diagnostic Criteria, and Treatment Outcomes in a Large Case Series. 2016.
4. Huang HY, Wu CL, Lin SH, et al. Microsporidial stromal keratitis: characterisation of clinical features, ultrastructural study by electron microscopy and efficacy of different surgical modalities. Br J Ophthalmol. Published online February 12, 2020.
5. Bajracharya L, Gurung R. Outcome of therapeutic penetrating keratoplasty in a tertiary eye care center in Nepal. Clin Ophthalmol Auckl NZ. 2015;.
6. Xie L, Dong X, Shi W. Treatment of fungal keratitis by penetrating keratoplasty. Br J Ophthalmol. 2001.