KẾT QUẢ SỚM PHẪU THUẬT TRIỆT CĂN UNG THƯ BIỂU MÔ DẠ DÀY Ở BỆNH NHÂN DƯỚI 40 TUỔI TẠI BỆNH VIỆN K

Nguyễn Trọng Đạt 1,, Nguyễn Hoàng Minh 2, Nguyễn Văn Trọng 1, Bùi Long 2
1 Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện K

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả đặc diểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả sớm phẫu thuật triệt căn cắt dạ dày, vét hạch ung thư biểu mô tuyến dạ dày ở bệnh nhân dưới 40 tuổi tại Bệnh viện K. Đối tượng nghiên cứu: Gồm 54 bệnh nhân ung thư dạ dày được phẫu thuật triệt căn tại Bệnh viện K từ 6/2018-6/2022. Kết quả: Tuổi trung bình: 34 ± 2,9 (20-39 tuổi); tỷ lệ nam/nữ = 1,07/1; thời gian từ khi có triệu chứng đến khi vào viện chủ yếu từ 1-3 tháng (63%), triệu chứng lâm sàng hay gặp: đau thượng vị (90,7%), chán ăn (55,6%), xuất huyết tiêu hóa (22%), hẹp môn vị (11%); 11% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày; 27,8% có tiền sử viêm loét dạ dày mãn tính. Vị trí u thường gặp ở hang môn vị (57,4%), bờ cong nhỏ (25,9%), thân vị (5,6%), bờ cong lớn (3,7%). Hình ảnh đại thể chủ yếu là thể loét và loét xâm lấn (92,6%), thể thâm nhiễm (5,7%). Thể mô bệnh học: UTBMT tuyến kém biệt hóa (55,5%), UTBM tế bào nhẫn (33,3%), UTBM tuyến nhày 5,6%; độ xâm lấn u đa phần là T4(48,2%), T1-T2 (40,7%); 50% BN đã có di căn hạch, số hạch trung bình vét được:15,8±6,3, số hạch di căn trung bình: 4,1±6,9, tỷ lệ hạch di căn trên tổng số hạch nạo vét được là 25,6%. Về kết quả phẫu thuật, thời gian có trung tiện: 3,48±0,75 ngày, thời gian cho ăn trở lại: 3,98±0,94 ngày, thời gian rút dẫn lưu: 8,17±1,31 ngày, thời gian nằm viện: 10,7±1,4 ngày; biến chứng sau PT là 13% trong đó thường gặp viêm phổi 5,5%, nhiễm trùng vết mổ 5,5%, rò mỏm tá 1,9%; không có BN nào phải mổ lại và không có tử vong sau mổ. Kết luận: Ung thư dạ dày ở người trẻ dưới 40 tuổi có thời gian diễn biến bệnh ngắn, mô bệnh học đa phần là UTBM kém biệt hóa, thường ở giai đoạn xâm lấn tại chỗ, tỷ lệ di căn hạch cao. Phẫu thuật triệt căn UTBM tuyến dạ dày ở người trẻ tuổi an toàn, khả thi và ít biến chứng.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Tùng (2020). Kết quả phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày do ung thư tại bệnh viện K Tân Triều. Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ nội trú, Đại học Y dược Thái Nguyên.
2. C.P. Theuer , C. de Virgilio, G. Keese et al (1996). Gastric adenocarcinoma in patients 40 years of age or younger. Am J Surg.172(5):473-7.
3. R. Santoro, F. Carboni, P. Lepiane et al (2007). Clinicopathological features and prognosis of gastric cancer in young European adults. Br J Surg;94(6):737-42.
4. J.Li (2020). Gastric Cancer in Young Adults, A Different Clinical Entity from Carcinogenesis to Prognosis. Gastroenterol Res Pract, 9512707.
5. Trịnh Hồng Sơn (2001). Nghiên cứu nạo vét hạch trong điều trị ung thư dạ dày. Luận án Tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
6. Eguchi T., Takahashi Y., Yamagata M. et al (1999). Gastric cancer in young patients. Journal of the American College of Surgeons, 188 (1),:22-26.
7. Phạm Như Hiệp, Hồ Hữu Thiện, Phạm Anh Vũ và cộng sự (2016). Đánh giá kết quả phẫu thuật cắt dạ dày vét hạch D2 nội soi trong điều trị ung thư dạ dày, Tạp chí Y học lâm sàng, số 33, tr. 55.
8. Phan Cảnh Duy (2019). Kết quả điều trị ung thư biểu mô tuyến dạ dày phần xa dạ dày giai đoạn tiến triển tại chỗ bằng phẫu thuật kết hợp xạ - hóa sau mổ, Tạp chí Y học lâm sàng, Bệnh viện Trung Ương Huế, số 55, tr: 80 -88.
9. Roh C., Choi S., Seo W., et al (2021). Incidence and treatment outcomes of leakage after gastrectomy for gastric cancer: Experience of 14,075 patients from a large volume centre. European journal of surgical oncology. Feb 25.