PHẪU THUẬT NỘI SOI NGOÀI PHÚC MẠC CẮT TOÀN BỘ TUYẾN TIỀN LIỆT ĐỐI VỚI UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT KHU TRÚ: KINH NGHIỆM BAN ĐẦU TẠI BỆNH VIỆN E

Nguyễn Đình Liên 1,2,, Ma Văn Lực 2, Tô Minh Hùng 3
1 Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội
2 Bệnh viện E
3 Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Lào Cai

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục đích: Đánh giá kết quả sớm phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt do ung thư tuyến tiền liệt khu trú tại bệnh viện E từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022. Đối tượng và phương pháp: - Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả loạt ca bệnh. - Đối tượng nghiên cứu: 10 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn khu trú được phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt. - Chỉ tiêu nghiên cứu gồm: tuổi, trọng lượng tuyến tiền liệt, nồng độ PSA toàn phần trước và sau mổ, thời gian mổ, lượng mất máu trong mổ, thời gian nằm viện sau mổ, các biến chứng trong và sau mổ. Chức năng tiểu tiện sau mổ 3 tháng. Kết quả: Tuổi trung bình 63,4±3,9 tuổi (57-67 tuổi); Trọng lượng tuyến tiền liệt trung bình 43±9 g (28-60g) theo siêu âm, 38±8 g (25-52g) theo MRI; nồng độ PSA toàn phần trung bình trước mổ 55,21 ng/mL (14,14-217,6 ng/mL); nồng độ PSA toàn phần trung bình sau mổ 1-3 ngày 22,71 ng/mL (1,04 – 144,5 ng/mL); thời gian mổ trung bình 317±65 phút (210-420 phút); mất máu trung bình 126 ml; thời gian nằm viện sau mổ 18 ngày (7-42 ngày); không có biến chứng trong mổ; 01 ca thủng phúc mạc được chuyển phương pháp qua đường qua phúc mạc, có 03/10 ca có tình trạng rò miệng nối sau mổ, đều được xử lý nội soi tối thiểu đạt kết quả tốt; có 01 ca có di căn hạch được điều trị hoá chất bổ trợ tiếp; 100% các case bệnh có chức năng tiểu tiện tốt sau mổ 3 tháng. Kết luận: Phương pháp phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt do ung thư tuyến tiền liệt khu trú là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Rò miệng nối bàng quang - niệu đạo sau mổ cắt toàn bộ tuyến tiền liệt là biến chứng có thể gặp phải, tuy nhiên có thể xử lý bằng nội soi - đặt catheter niệu quản.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Trường Thành, Trương Hoàng Minh, Trần Thanh Phong, Đỗ anh Đức, Nguyễn Văn Trí Dũng (2017). Đánh giá kết quả cắt toàn bộ tuyến tiền liệt triệt căn trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt khu trú. Tạp chí Y Dược học, Số đặc biệt 8/2017: 129 - 132.
2. Trần Chí Thanh, Thiều Sỹ Sắc, Võ Văn Minh, Lê Hữu Thanh (2021). Phẫu thuật nội soi ổ bụng ngoài phúc mạc cắt toàn bộ tuyến tiền liệt do adenocarcinoma khu trú: Kinh nghiệm ban đầu qua 5 trường hợp. Kỷ yếu Hội thận học tiết niệu Việt Nam 2021. 142-148
3. Vũ Lê Chuyên, Vũ Văn Ty, Nguyễn Tuấn Vinh và cộng sự (2006). Phẫu thuật triệt để ung thư tiền liệt tuyến qua nội soi ổ bụng kinh nghiệm bước đầu qua 23 trường hợp. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, số 4, tập 10/2006.
4. Culp, M.B., et al. Recent Global Patterns in Prostate Cancer Incidence and Mortality Rates. Eur Urol, 2020. 77: 38.
5. Elmor TR, Rubinstein M, Lima G, Cruz AC, Pereira CF, Rubinstein I. Minimally invasive treatment of vesicourethral leak after laparoscopic radical prostatectomy. Rev Col Bras Cir. 2016;43(3):185-188.
6. Karim Toujier, Fernado P. Scin, Angel M Cronin (2009). Oncology outcome after laparoscopic radical prostatectomy: 10 years experience. Eur Urol, May, 55(5): 1014 - 1019.
7. Kun Wang, Quianfeng Zhuang, Rengfang Xu and al. (2018). Transperitoneal versus extraperitoneal approach in laparoscopic radical prostatectomy: a meta analysis. Medecine, 97, Vol 29: 1-7
8. Mark William Louie Johnsun, Marcus M. Handmer, Ross John Spero Calopeds (2016). The Auatralian laparoscopic non robotic radical prostatectomy experience - analysis of 2943 cases (USANZ supplement). BJU Int, 118, Supplement 3: 43 - 48.