NHU CẦU VÀ KHẢ NĂNG CHI TRẢ CỦA NGƯỜI DÂN VỚI CÁC DỊCH VỤ CHĂM SÓC BAN NGÀY CHO NGƯỜI CAO TUỔI TẠI MỘT KHU ĐÔ THỊ Ở HÀ NỘI NĂM 2021 VÀ MỘI SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN

Thị Ngọc Minh Bùi 1,, Thị Lan Anh Nguyễn 2, Thị Thu Trang Nguyễn 3, Phước Thọ Huỳnh 4, Lân Hiếu Nguyễn 5, Ngọc Hoạt Lưu 2
1 Viện Đào tạo YHDP & YTCC, Đại học Y Hà Nội
2 Đại học Y Hà Nội
3 Trung tâm Y tế Quận Nam Từ Liêm
4 Công ty Cổ phần eDoctor
5 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Dịch vụ chăm sóc ban ngày cho người cao tuổi (NCT) tại các khu đô thị ở các thành phố lớn đang là những vấn đề rất được quan tâm của nhiều gia đình, nhất là những người có bố mẹ ở quê muốn đưa ra thành phố sống cùng con, cháu và các gia đình có NCT thường phải ở nhà một mình. Để xác định được nhu cầu và khả năng chi trả cho dịch vụ này, chúng tôi đã triển khai một điều tra 201 chủ hộ gia đình sống tại một số toà nhà được chọn ngẫu nhiên trong khu chung cư An Lạc, C1, C2 và C3 thuộc phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Kết quả phỏng vấn cho thấy chỉ 5,5% chủ hộ không hưởng ứng mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban ngày có phục hồi chức năng (PHCN) gần nơi ở của các cư dân, trong khi số người hưởng ứng và sẵn sàng chi trả là 68,2%, số còn phân vân là 26,3%. Về mô hình xây dựng các trung tâm vui chơi, giải trí, giao lưu có kèm CSSK ban ngày cho người cao tuổi thì chỉ có 11% người được hỏi không hưởng ứng, số hưởng ứng và sẵn sàng chi trả là 52,2%, số còn phân vân là 36,8%. Với các dịch vụ tại trung tâm chăm sóc ban ngày thì được ưa chuộng nhất là truyền thông nâng cao hiểu biết về sức khoẻ, bệnh tật, biết tự chăm sóc mình (75,6%), tiếp đó là thể dục, dưỡng sinh (73,6%), xoa bóp, bấm huyệt, mát xa, xông hơi (69,7%), cung cấp chế độ ăn uống khoa học (64,2%), phục hồi chức năng (60,2%), vui chơi, giải trí, giao lưu (58,2%). Với mức giá đề xuất là 200.000 VNĐ/ngày cho các dịch vụ vui chơi, giải trí tại trung tâm (không bao gồm ăn uống, đi lại và chi phí cho các dịch vụ CSSK) thì có tới 45,8% đồng ý trả với mức giá này, 41,8% muốn trả ở mức thấp hơn, tuy nhiên lại có 12,4% có thể trả cao hơn. Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa mức chi trả lớn hơn hoặc bằng mức giá 200.000 VNĐ/ngày với các yếu tố trình độ học vấn và nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (2016), Dự báo dân số Việt Nam 2014- 2049, Nhà xuất bản Thông tấn.
2. Đỗ Mạnh Hùng (2018), Nhu cầu, sự hưởng ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà của người dân đô thị phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội 2018 và một số yếu tố liên quan, Trường Đại học Y Hà Nội.
3. Phạm Vũ Hoàng (2013), Một số giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi Việt Nam 2013, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
4. Bang K.-S., Tak S.H., Oh J. và cộng sự. (2017). Health Status and the Demand for Healthcare among the Elderly in the Rural Quoc-Oai District of Hanoi in Vietnam. Biomed Res Int, 2017, 4830968.
5. Huệ N.T. (2010). Thực trạng chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 99–106.
6. Oliver R.E. và Foster M. (2013). Adult Day Care: An Important Long-Term Care Alternative & Potential Cost Saver. Mo Med, 110(3), 227–230.
7. Nosratabadi M., Nabavi S.H., Rashedi V. và cộng sự. (2018). Socioeconomic determinants of health-care and emotional needs among Iranian older adults in Isfahan. J Educ Health Promot, 7.