PHÂN TÍCH CHI PHÍ SỬ DỤNG THUỐC TẠI BỆNH VIỆN LÊ VĂN THỊNH GIAI ĐOẠN 01-06/2023

Hoàng Thy Nhạc Vũ1,2,, Lê Phước Thành Nhân2, Mai Ngọc Quỳnh Anh1, Chung Khang Kiệt1, Nguyễn Phi Hồng Ngân2
1 Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh
2 Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu được tiến hành nhằm phân tích chi phí sử dụng thuốc tại bệnh viện Lê Văn Thịnh (BVLVT) trong giai đoạn 01-06/2023. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, được tiến hành thông qua việc hồi cứu dữ liệu sử dụng thuốc được BHYT chi trả trong giai đoạn 01-06/2023, nhằm phân tích chi phí thuốc theo nội/ngoại trú, nguồn gốc, đường dùng, nhóm dược lý, hoạt chất, thông qua giá trị tổng chi phí và cơ cấu chi phí. Kết quả: Trong giai đoạn 01-06/2023, BVLVT đã sử dụng 1.311 loại thuốc (602 hoạt chất, 30 nhóm dược lý) thuộc danh mục BHYT chi trả, với tổng chi phí là 125,2 tỷ đồng, trong đó, thuốc ngoại trú chiếm 83,7%; thuốc Việt Nam chiếm 44,4%; thuốc đường uống và đường tiêm có chi phí chiếm tỷ lệ lần lượt là 75,1% và 21,0% tổng chi phí thuốc BHYT. Bốn nhóm thuốc có chi phí sử dụng lớn nhất là nhóm thuốc tim mạch; nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn; nhóm hocmon, các thuốc tác động vào hệ nội tiết; nhóm thuốc đường tiêu hoá; với tỷ lệ lần lượt là 27,0%; 16,2%; 15,1%; 11,1%. Amoxicillin + Acid Clavulanic là hoạt chất dạng phối hợp có tỷ lệ chi phí sử dụng lớn nhất, chiếm 3,1%. Kết luận: Kết quả nghiên cứu đã tạo căn cứ giúp Hội đồng thuốc và điều trị có đánh giá kịp thời về tình hình sử dụng thuốc sáu tháng đầu năm 2023, từ đó, có những định hướng điều chỉnh và hướng dẫn sử dụng thuốc cho giai đoạn tiếp theo phù hợp với lượng thuốc được mua sắm tại bệnh viện, góp phần đảm bảo tính hợp lý trong việc lựa chọn thuốc của bác sĩ, và khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2011), “Thông tư 22/2011/TT-BYT Quy định về tổ chức và hoạt động khoa Dược bệnh viện”
2. Bộ Y tế (2013), “Thông tư số 21/2013/TT-BYT Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện”.
3. Hoàng Thy Nhạc Vũ, Trần Anh Duyên, Lê Phước Thành Nhân, Trần Văn Khanh, Trần Thị Ngọc Vân (2023), “Phân tích tình hình sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cho người bệnh ngoại trú: nghiên cứu tại bệnh viện Lê Văn Thịnh năm 2021”, Tạp chí Y học Việt Nam, tập 522, số 1, tháng 1/2023, trang 112-116.
4. Hoàng Thy Nhạc Vũ, Trần Anh Duyên, Lê Phước Thành Nhân, Trần Văn Khanh (2022), “Phân tích tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện Lê Văn Thịnh năm 2021”, Tạp chí Y học Việt Nam, tập 516, số 2, trang 224-228.
5. Huỳnh Như, Cù Thanh Tuyền, Hoàng Thy Nhạc Vũ (2017), “Đặc điểm danh mục thuốc tân dược được sử dụng tại bệnh viện Phú Nhuận giai đoạn 2012-2017”, Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, phụ bản tập 21, số 5, trang 135-141.
6. Nguyễn Cẩm Vân, Cao Thị Bích Ngọc, Nguyễn Trung Hà (2021), “Phân tích danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2020”, Tạp chí Y Dược lâm sàng 108, tập 16, số đặc biệt 11/2021, trang 81-89.
7. Lã Thanh Duy, Hoàng Thy Nhạc Vũ, Lê Phước Thành Nhân, Trần Văn Khanh, Nguyễn Phi Hồng Ngân (2023), “Phân tích chi phí sử dụng thuốc điều trị cho người bệnh đái tháo đường có Bảo Hiểm Y Tế tại bệnh viện Lê Văn Thịnh năm 2022”, Tạp chí Y học Việt Nam, tập 528 số 1, tháng 07/2023, trang 349 – 352.
8. Bộ Y tế (2015), “Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025”.
9. International Diabetes Federation, 2021, IDF Diabetes Atlas 10th edition 2021