NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH KÊ ĐƠN THUỐC KHÁNG SINH, CORTICOID, VITAMIN ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN KẾ SÁCH-TỈNH SÓC TRĂNG NĂM 2022

Đỗ Hoàng Miên Em 1, Huỳnh Thị Mỹ Duyên 2,
1 Trung tâm Y tế Huyện Kế Sách
2 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Sử dụng thuốc kháng sinh, corticoid, vitamin đang là vấn đề rất được quan tâm của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Việc kê đơn không hợp lý các thuốc nhóm trên có thể gây bất lợi đến sức khỏe bệnh nhân và tăng chi phí khám chữa bệnh, tạo gánh nặng cho người bệnh, gia đình và cộng đồng. Một số nghiên cứu đã chứng minh có nhiều yếu tố liên quan thuộc về người kê toa hoặc người bệnh hoặc các yếu tố liên quan cơ sở điều trị… trong đó ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong mỗi quốc gia có sự khác nhau. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ kê đơn thuốc kháng sinh, corticoid, vitamin chưa hợp lý trong điều trị nội trú tại trung tâm y tế huyện Kế Sách năm 2022 và tìm hiểu một số yếu tố liên quan. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 366 hồ sơ bệnh án có sử dụng ít nhất 1 trong 3 loại thuốc kháng sinh, corticoid và vitamin tại khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nội tổng hợp, khoa ngoại-sản-chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đánh giá các chỉ số sử dụng thuốc chưa hợp lý theo các quy định hiện hành và tìm hiểu các yếu tố liên quan. Kết quả: Tỷ lệ bệnh án kê đơn thuốc chưa hợp lý là 37,2%. Trong đó, bệnh án kê đơn thuốc kháng sinh, corticoid và vitamin chưa hợp lý lần lượt là 23%, 37,5% và 30,8%. Có mối liên quan giữa giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn và thời gian làm việc của bác sĩ với việc kê đơn chưa hợp lý. Kết luận: Tỷ lệ bệnh án kê đơn thuốc kháng sinh, corticoid, vitamin chưa hợp lý khá cao, trên 30%. Vì vậy, công tác quản lý sử dụng thuốc cần được giám sát chặt chẽ hơn để góp phần nâng cao chất lượng điều trị đơn vị.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2011). Thông tư số 23/2011/TT-BYT ngày 10/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh, Hà Nội.
2. Bộ Y tế (2013). Thông tư số 21/2013/TT-BYT ngày 08/8/2013 của Bộ Y tế về Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện, Hà Nội.
3. Bộ Y tế (2013). Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế về Hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập, Hà Nội.
4. Bộ Y Tế (2022). Dược thư quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội.
5. Trung tâm y tế huyện Kế Sách (2019). Cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ. http://www.trungtamytekesach.vn/detail-qua-trinh-hinh-thanh, ngày truy cập 22/10/2022.
6. Trung tâm Y tế huyện Kế Sách (2019). Phác đồ điều trị Trung tâm Y tế huyện Kế Sách năm 2019. http://www.trungtamytekesach.vn/chuyenmuc-tai-lieu-chuyen-mon, ngày truy cập 22/10/2022.
7. Dương Văn Cường (2021). Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc theo các chỉ số của Thông tư số 21/2013/TT-BYT và Thông tư số 23/2011/TT-BYT tại Trung tâm y tế huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng năm 2020-2021. Luận văn chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
8. Hà Thanh Liêm (2020). Nghiên cứu tình hình sử dụng kháng sinh và đánh giá kết quả can thiệp về sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tháp Mười năm 2019-2020. Luận văn chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
9. Đoàn Kim Phượng (2017), Khảo sát thực trạng kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú tại trung tâm Y tế Phú Giáo tỉnh Bình Dương năm 2015, Luận văn dược sĩ chuyên khoa cấp I, Đại học Dược Hà Nội.
10. Bùi Hoàng Quân (2018), “Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc theo các chỉ số của Thông tư 21/2013/TT-BYT tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang”. Luận văn chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.