MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM HUYẾT HỌC MÁU NGOẠI VI Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ VÒM MŨI HỌNG

Thanh Bình Nguyễn 1,, Thị Thúy Hoàng 2, Văn Đô Nguyễn 1
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Ung thư vòm mũi họng (UTVMH) là bệnh lý ác tính đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu, cổ hiện nay. Mục tiêu: Mô tả sự thay đổi một số chỉ số huyết học máu ngoại vi ở bệnh nhân UTVMH. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 44 bệnh nhân UTVMH được chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học và 46 người bình thường tương đồng về tuổi, giới. Kết quả: Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 2:1, nhóm tuổi phát hiện bệnh nhiều nhất từ 41-60 tuổi, 65,9% bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn III-IV. Số lượng và tỷ lệ BCTT ở nhóm bệnh nhân tương ứng 4,51 ± 1,26 G/L và 60,87 ± 7,78% cao hơn so với nhóm chứng là 3,66 ± 1,17G/L và 55,35 ± 7,22% có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Số lượng và tỷ lệ bạch cầu lympho ở nhóm bệnh nhân là 1,95 ± 0,43 G/L và 26,53 ± 6,90% thấp hơn so với nhóm chứng là 2,27 ± 0,69 và 33,09 ± 7,73 có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Chỉ số NLR ở nhóm bệnh 2,46 ± 1,05 cao hơn nhóm chứng 1,78 ± 0,86 với p < 0,001. Ngoài ra thấy có tăng bạch cầu mono và giảm bạch cầu ưa base ở nhóm bệnh so với nhóm chứng. Các chỉ số khác như bạch cầu ưa acid, số lượng hồng cầu, hemoglobin, hematocrit, số lượng tiểu cầu không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nhóm bệnh và nhóm chứng. Kết luận: Ở bệnh nhân UTVMH có tăng số lượng và tỷ lệ bạch cầu trung tính, giảm số lượng và tỷ lệ bạch cầu lympho so với nhóm chứng dẫn tới tăng chỉ số NRL. Một số chỉ số khác như số lượng hồng cầu, hemoglobin, hematocrit, số lượng tiểu cầu không có sự khác biệt ở nhóm bệnh so với nhóm chứng.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Hoàng Anh, Nguyễn Hoài Nga, Phạm Hồng Trường (2002). Tình hình bệnh ung thư ở Hà Nội giai đoạn 1996 - 1999. Tạp Chí Y học Thực hành, 431, 4–7.
2. Phạm Huy Tần (2018). Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và định lượng nồng độ EBV-DNA huyết tương trong UTVMH. Luận án tiến sĩ y học, Trường Đại học y Hà Nội.
3. Bùi Công Toàn (2008). Nghiên cứu một số khía cạnh đáp ứng miễn dịch tế bào và tìm EBV-ADN tại máu ngoại vi bệnh nhân ung thư vòm mũi họng thể không biệt hoá. Luận án tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
4. Ahmed HG, Suliman RSAG, et al (2015). Molecular screening for Epstein Barr virus (EBV) among Sudanese patients with nasopharyngeal carcinoma (NPC). Infect. Agent. Cancer, 10(1), 6.
5. Arıcıgil M, Dündar MA, Yücel A, et al (2017). Can Platelet and Leukocyte Indicators Give Us an Idea about Distant Metastasis in Nasopharyngeal Cancer? Prague Med. Rep., 118(1), 49–59.
6. Edris A, Mohamed MA, Mohamed NS, et al (2016). Molecular Detection of Epstein - Barr virus in Nasopharyngeal Carcinoma among Sudanese population. Infect. Agent. Cancer, 11(1), 55.
7. Guo Q, Lu T, Hui Huang S, et al (2019). Depicting distant metastatic risk by refined subgroups derived from the 8th edition nasopharyngeal carcinoma TNM. Oral Oncol., 91, 113–120.
8. Tsang CM, Tsao SW (2015). The role of Epstein-Barr virus infection in the pathogenesis of nasopharyngeal carcinoma. Virol. Sin., 30(2), 107–121.
9. Yao J-J, Zhu F-T, et al (2019). Prognostic value of neutrophil-to-lymphocyte ratio in advanced nasopharyngeal carcinoma: a large institution-based cohort study from an endemic area. BMC Cancer, 19(1), 37.