XU HƯỚNG TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ NHẰM GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN VÀ NHỮNG RÀO CẢN TRONG TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN Ở SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÁI NGUYÊN

Phạm Thị Phương Thảo1,, Đàm Thị Bảo Hoa1, Nguyễn Thị Tố Uyên1, Nguyễn Diệp Trọng Đức1
1 Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Các vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) đang ngày càng gia tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Tìm đến sự giúp đỡ, tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc SKTT phù hợp sẽ giúp sinh viên (SV) vượt qua các vấn đề SKTT sớm. Tuy nhiên, hiện tại tỉ lệ người có các vấn đề SKTT nhận được sự hỗ trợ về y tế còn thấp. Đồng thời, chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này trên SV Việt Nam, đặc biệt là SV khối ngành sức khỏe. Mục tiêu: Mô tả xu hướng tìm kiếm sự giúp đỡ của SV nhằm giải quyết các vấn đề SKTT và khảo sát những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKTT ở SV trường Đại học (ĐH) Y – Dược, ĐH Thái Nguyên. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn trực tiếp 1209 SV trường ĐH Y – Dược, ĐH Thái Nguyên thông qua bộ câu hỏi được thiết kế phù hợp với nghiên cứu. Các chỉ số nghiên cứu gồm tuổi, giới, dân tộc, tỉ lệ SV có rối nhiễu tâm trí theo thang đo SRQ-20. Kết quả: Độ tuổi trung bình của SV tham gia nghiên cứu là 20,6 ± 1,7. Tỉ lệ SV có rối nhiễu tâm trí (RNTT) là 50,0%. Có 49,2% SV đã từng cảm thấy có vấn đề về SKTT và tự mình vượt qua mà không tìm kiếm sự giúp đỡ. Các nguồn hỗ trợ SV thường tìm đến nhằm giải quyết vấn đề SKTT là bạn bè (36,3%); gia đình (24,0%); chuyên gia chăm sóc SKTT (2,6%). Muốn tự mình giải quyết vấn đề (64,3%); thấy nói chuyện với bạn bè, người thân sẽ tốt hơn (40,1%); nghĩ rằng vấn đề sẽ tự hết và không cần sự giúp đỡ (32,7%) là ba lý do được nhiều SV lựa chọn nhất nhằm giải thích cho việc không tìm đến các dịch vụ chăm sóc SKTT chuyên nghiệp khi gặp vấn đề về SKTT. Kết luận: SV có xu hướng tìm đến người xung quanh không có chuyên môn về chăm sóc SKTT nhằm giải quyết vấn đề SKTT thay vì tìm đến dịch vụ chăm sóc SKTT chuyên nghiệp. Những rào cản lớn nhất trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKTT trên SV là rào cản về nhận thức, thái độ.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Ngọc Minh, & cộng sự. Dấu hiệu trầm cảm của sinh viên y khoa trường đại học y dược thái nguyên và một số yếu tố liên quan. Tạp chí Y học thực hành (1123), số 12/2019, Tr. 81-85 (2019).
2. Tôn Thất Minh Thông, & cộng sự. Sức khỏe tâm thần của sinh viên Đại học Huế. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, ISSN 1859-1612, Số 2(62)/2022: tr.163-173.
3. UNICEF Việt Nam. Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam (2018).
4. Trần Ngọc Đăng, Đỗ Văn Dũng, Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh. Tỉ lệ rối nhiễu tâm trí và các yếu tố liên quan của sinh viên khoa Y Tế Công Cộng Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh năm 2010. Tạp chí Nghiên cứu y học, số 1/2011, Tr. 62-67 (2011).
5. Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Thị Hương Lan. Hành vi tìm kiếm sự trợ gúp đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần ở sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Dược Huế. Tạp chí Y Dược học – Trường Đại học Y Dược Huế, Tập 9, số 4 – tháng 7/2019, Tr. 92-97 (2019).
6. Hughes, G., Panjawni, M., Tulcidas, P. & Byrom, N., 2018. Student Mental Health: The role and experiences of academics. Oxford: Student Minds. - https://www.studentminds.org. uk/theroleofanacademic.html
7. Sareen J., & cộng sự. Perceived barriers to mental health service utilization in the United States, Ontario, and the Netherlands. Psychiatr Serv. 2007 Mar;58(3):357-64. doi: 10.1176/ ps.2007.58.3.357. PMID: 17325109 (2007).