ĐÁNH GIÁ CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH UNG THƯ THANH QUẢN CÓ CHỈ ĐỊNH CẮT THANH QUẢN TOÀN PHẦN TẠI BỆNH VIỆN CHỢ RẪY TỪ THÁNG 1/2023 ĐẾN THÁNG 5/2023

Lâm Văn Minh1,, Thạch Kim Long1, Ngô Trọng Tâm2, Nguyễn Thị Phương Thảo3
1 Bệnh viện Chợ Rẫy
2 Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn
3 Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mở đầu: Ung thư thanh quản là loại ung thư phổ biến thứ hai của ung thư vùng đầu cổ. Người bệnh ung thư thanh quản thường đến khám ở giai đoạn muộn và phải thực hiện cắt thanh quản toàn phần kèm nạo vét hạch cổ để đảm bảo lấy sạch bệnh tích và hạch cổ liên quan. Sau mổ cắt thanh quản toàn phần, người bệnh gần như mất chức năng phát âm, thở không theo đường sinh lý tự nhiên, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhằm góp phần thành công của phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần, không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết bệnh tích, mà còn giúp người bệnh giảm thiểu biến chứng sau mổ, tái hoà nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, người bệnh hậu phẫu cắt thanh quản toàn phần cần có chế độ chăm sóc, theo dõi chặt chẽ. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, các biến chứng sau mổ và chế độ chăm sóc người bệnh ung thư thanh quản có chỉ định cắt thanh quản toàn phần. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 20 trường hợp ung thư thanh quản có chỉ định cắt thanh quản toàn phần tại khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả: Độ tuổi trung bình dao động từ 53 - 74, tuổi hay thường gặp là 59 - 69 (55%). Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở nam giới (95%). Đa số các trường hợp người bệnh đều hút thuốc lá 11 (55 %), chỉ số gói/năm trung bình 26,7±10,3; vừa hút thuốc lá vừa uống rượu 9 (45%), 5 trường hợp có bệnh nội khoa kèm theo. 55 % người bệnh đến khám muộn khi triệu chứng xuất hiện kéo dài trên 3-6 tháng. Thời gian xuất viện trung bình là 14,2±3,0 ngày. Sớm nhất là 9 ngày, trễ nhất là 25 ngày. Trong nghiên cứu biến chứng sau mổ thường gặp là rò thực quản 3 trường hợp (15%), tiếp đến là chảy máu hố mổ, và hẹp lỗ mở khí quản, viêm phổi (5%). Thời gian ăn bằng miệng trung bình là 9,2 ± 3,1 ngày. Sớm nhất là 4 ngày và trễ nhất là 16 ngày. Xét một cách tổng thể về trọng lượng người bệnh so với chiều cao có 14/20 người bệnh (70%) bị suy dinh dưỡng theo BMI (khi < 18,5kg/m2). Phần lớn người bệnh được chúng tôi bắt đầu cho ăn qua ống thông mũi dạ dày sớm 18 trường hợp (90%), có 2 người bệnh được nuôi dưỡng qua ống thông muộn (10%). Trong 20 trường hợp có 4 trường hợp sụt cân, 3 trường hợp có cân nặng không thay đổi và 13 trường hợp tăng cân so với lúc nhập viện. Kết luận: Từ kết quả thu thập được của nghiên cứu, tôi đưa ra những chế độ chăm sóc và theo dõi cụ thể trên từng trường hợp. Để hạn chế viêm phổi chúng tôi đã thực hiện: cho người bệnh vận động sớm, hỗ trợ vật lý trị liệu mỗi ngày, dùng gạc tẩm nước muối sinh lý để che lỗ mở khí quản vĩnh viễn, dùng thuốc đúng theo y lệnh. Để làm giảm nguy cơ chảy máu chúng tôi thực hiện: theo dõi chặt chẽ sinh hiệu, theo dõi ống dẫn lưu, số lượng màu sắc và tính chất dịch dẫn lưu, có thể băng lại chặt hơn để cầm máu, làm thông dẫn lưu nếu còn chảy máu phải báo với bác sĩ. Biến chứng rò thực quản cổ: thực hiện kháng sinh liều cao theo chỉ định, hướng dẫn bệnh nhân hạn chế nuốt nước bọt, dinh dưỡng sớm sau mổ, phát hiện và báo phẫu thuật viên can thiệp sớm. Để hạn chế nhiễm trùng vạt da cổ chúng tôi thực hiện: Dùng kháng sinh đầy đủ, thích hợp, thay băng đúng quy cách, đảm bảo vô trùng, không băng ép quá chặt, chế độ dinh dưỡng dầy đủ theo phác đồ dinh dưỡng trước và sau mổ. Nuôi dưỡng bệnh nhân sau mổ: dinh dưỡng qua ống thông mũi dạ dày, đánh giá tổng trạng, BMI trước và sau mổ, được theo dõi thường xuyên. Trong một số trường hợp đặc biệt chúng tôi có thể nhờ chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện hỗ trợ. Rút ống sonde dạ dày: đánh giá và theo dõi trước khi rút, nuốt không đau, không sặc, không rò.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Trần Anh Bích, Trần Minh Trường, Lâm Việt Trung (2016), “ứng dụng kỹ thuật cắt toàn bộ hạ họng -thanh quản-thực quản và tái tạo thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư hạ họng- thanh quản” Y học Việt Nam, tập 452, số 2, tr. 135- 141
2. Trần Minh Trường (2009), chăm sóc bệnh nhân sau mổ cắt thanh quản toàn phần do ung thư. Tạp chí y học thành phố Hồ Chí Minh, tập 13, số 1
3. Dechaphunkul t., et al. (2003). “Malnutrition assessment in patients with cancers of the head and neck: a call to action anh consensus”, Crit Rev oncol Hematol, 88(2), pp. 459-476
4. Lưu Ngân Tâm (2010), “Đáp ứng chuyển hóa đối với tình trạng đói đơn thuần và bệnh lý”, tạp chí y học TP.HCM, 14 (2), tr.18-22
5. Nguyễn Xuân Cẩm Huyên (2011), “tiêu hóa ở miệng và thực quản”, Sinh lý học y khoa, Nhà xuất bản y học, 06, tr.296-301