CÁC YẾU TỐ VỀ RĂNG, CUNG RĂNG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BỘ RĂNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯƠNG QUAN R6 HẠNG II Ở BỘ RĂNG VĨNH VIỄN (NGHIÊN CỨU TRÊN MẪU HÀM)

Trần Thị Bích Vân1,
1 Đại Học Y Dược Tp.HCM

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Theo phân loại của Angle, tương quan răng cối lớn thứ nhất ở bộ răng vĩnh viễn được chia thành 3 dạng là hạng I, hạng II và hạng III. Trong đó, tương quan R6 hạng I được xem là bình thường và 2 dạng còn lại được xem là bất thường. Theo nhiều nghiên cứu, tương quan R6 hạng II (sai khớp cắn hạng II) là dạng chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số. Sự hình thành dạng tương quan này trong quá trình phát triển của bộ răng từ bộ răng sữa (T1) đến hỗn hợp (T2) và vĩnh viễn (T3) là khá phức tạp và liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm răng, cung răng, xương hàm, sọ mặt và sự tăng trưởng. Trên thế giới, không có nhiều nghiên cứu dọc thuần túy đánh giá toàn diện về các yếu tố răng, cung răng ảnh hưởng đến sự thành lập tương quan R6 hạng II ở bộ răng vĩnh viễn và tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào trên người Việt về vấn đề này. Chính vì thế, chúng tôi thực hiện đề tài “Các yếu tố về răng, cung răng trong quá trình phát triển của bộ răng ảnh hưởng đến sự hình thành tương quan R6 hạng II ở bộ răng vĩnh viễn (nghiên cứu trên mẫu hàm)”. Mục tiêu: Mô tả các đặc điểm về răng, cung răng ở từng giai đoạn T1, T2, T3 và sự tăng trưởng của các yếu tố này từ T1, T2 đến T3 ở nhóm có tương quan R6 hạng II so với nhóm có tương quan R6 hạng I ở bộ răng vĩnh viễn.  Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tương quan R6 hạng II ở bộ răng vĩnh viễn qua phân tích hồi quy logistic. Đối tượng và phương pháp: Đối tượng nghiên cứu gồm 64 trẻ (128 phần hàm) được theo dõi dọc từ giai đoạn bộ răng sữa (T1) đến bộ răng hỗn hợp (T2) và đến bộ răng vĩnh viễn (T3). Nghiên cứu đánh giá 82 yếu tố về răng, cung răng ở từng giai đoạn T1, T2, T3 và sự tăng trưởng của các yếu tố này ảnh hưởng đến tương quan R6 hạng II ở bộ răng vĩnh viễn. Kết quả: So với nhóm có tương quan khớp cắn hạng I bình thường, nhóm sai khớp cắn hạng II có những đặc điểm trên mẫu hàm như có độ cắn chìa lớn và duy trì từ T1-T2-T3; có khoảng E ở hàm dưới nhỏ; liên quan đến dạng mặt phẳng tận cùng RE ở T1 và tương quan R6 ở T2; có cung răng hàm trên hẹp tương đối so với hàm dưới và có chu vi vùng răng sau hàm trên giảm nhiều hơn từ T2-T3. Kết quả phân tích hồi quy logistic cho thấy có 7 yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành tương quan R6 hạng II so với nhóm có tương quan R6 hạng I bình thường ở bộ răng vĩnh viễn lần lượt là: (a) tương quan R6 ở T2 (OR = 6,3); (b) độ cắn chìa ở T1 (OR = 2,11); (c) chiều rộng cung răng vùng RE hàm dươi ở T2 (OR = 1,9); (d) sự thay đổi chiều rộng cung răng vùng R6 hàm dưới từ T2-T3 (OR = 1,75); (e) khe hở răng sữa vùng răng sau hàm trên ở 1 phần hàm (OR = 0,11); (f) khoảng E ở hàm dưới (OR = 0,25) và (g) sự thay đổi chiều rộng cung răng vùng R6 hàm trên từ T2-T3 (OR = 0,3). Từ đó, xây dựng được phương trình hồi quy như sau: R6 (T3) = -23,6 + 1,8a + 0,7b + 0,6c + 0,6d – 2,2e– 1,4f – 1,2g. Kết luận: Tình trạng sai khớp cắn hạng II có những dấu hiệu có thể phát hiện sớm trên mẫu hàm và đây là một hội chứng phức tạp có tính chất đa yếu tố và đa chiều. Kết quả nghiên cứu giúp cho việc phát hiện sớm, chẩn đoán và can thiệp kịp thời sai khớp cắn hạng II dựa vào yếu tố nguyên nhân và can thiệp đa chiều bao gồm cả chiều trước sau lẫn chiều ngang.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Đống Khắc Thẩm. Chỉnh hình răng mặt. Nhà xuất bản Y học TP. Hồ Chí Minh; 2004.
2. Arya B, Savara B, Thomas D. Prediction of first molar occlusion. American Journal of Orthodontics & Dentofacial Orthopedics. 1973; 63(6):610-621.
3. Baccetti T, Franchi L, McNamara JAJ, Tollaro I. Early dentofacial features of Class II malocclusion: a longitudinal study from the deciduous through the mixed dentition. Am J Orthod Dentofacial Orthop. 1997;111(5):502-9.
4. Barros SE, Chiqueto K, Janson G, Ferreira E. Factors influencing molar relationship behavior in the mixed dentition. Am J Orthod Dentofacial Orthop. 2015;148(5):782-92.
5. McNamara JAJ. Components of class II malocclusion in children 8-10 years of age. Angle Orthod. Jul 1981;51(3):177-202. doi:10.1043/ 0003-3219(1981)051<0177:Cocimi>2.0.Co;2
6. Nanda RS, Khan I, Anand R. Age changes in the occlusal pattern of deciduous dentition. J Dent Res. 1973;52(2):221-4.
7. Proffit WR. Contemporary Orthodontics. 6th ed. Mosby; 2018.