NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ SỬ DỤNG KHÁNG SINH DỰ PHÒNG TRONG MỔ LẤY THAI TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG CẦN THƠ TRONG NĂM 2024-2025

Huỳnh Vưu Khánh Linh1,, Ngũ Quốc Vĩ1, Dương Kim Ngân1, Nguyễn Hữu Thời1, Vũ Đức Thịnh2
1 Bệnh viện ĐKTU Cần Thơ
2 Bệnh viện ĐKQT Vinmec

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: 1: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở những thai phụ được sử dụng phác đồ kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong năm 2024-2025, 2: Đánh giá kết quả sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong năm 2024-2025. Kết quả: Phân bố bệnh nhân theo địa phương và đặc điểm nhân khẩu học: Đa số bệnh nhân đến từ Cần Thơ (39%), tiếp theo là Hậu Giang (25%) và Vĩnh Long (21%), trong khi các địa phương khác chiếm 15%. Phần lớn bệnh nhân cư trú tại nông thôn (81%), số còn lại sống ở thành thị (19%). Về nghề nghiệp, nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất là nhân viên văn phòng và nội trợ (49%), tiếp theo là công nhân - nông dân (25%), buôn bán (7%) và các ngành nghề khác (19%). Xét về trình độ học vấn, phần lớn bệnh nhân có trình độ sau phổ thông (68%), tiếp đến là cấp 3 (29%) và cấp 2 (3%). Đặc điểm tuổi và thời gian nằm viện: Phần lớn bệnh nhân thuộc nhóm tuổi từ 18–35, chiếm 80,27%. Nhóm từ 35 tuổi trở lên chiếm 18,03%, trong khi nhóm dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất (1,7%). Tuổi trung bình của nhóm sử dụng kháng sinh dự phòng (KSDP) là 29,3 ± 6 tuổi, trong khi nhóm sử dụng kháng sinh điều trị (KSDT) là 29 ± 6,7 tuổi. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân sử dụng KSDP là 4,02 ± 1,2 ngày, ngắn hơn so với nhóm KSDT (4,9 ± 2 ngày). Điều này cho thấy việc sử dụng KSDP giúp rút ngắn thời gian nằm viện. Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nhiễm trùng giữa hai nhóm. Kết luận: Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ nhiễm khuẩn sau mổ giữa hai nhóm. Việc sử dụng kháng sinh dự phòng giúp rút ngắn thời gian nằm viện, đồng thời giảm số mũi tiêm so với kháng sinh điều trị. Điều này góp phần giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế và đặc biệt có lợi đối với những bệnh nhân sợ tiêm truyền, hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (24/03/2023), "Hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ", Quyết định 1526/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn vết mổ.
2. Bộ Y tế (2012), "Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ", 3671/QĐ-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ Y tế.
3. Võ Văn Chính, Thị Như Quỳnh Trần, và Minh Tâm Lê (2023), “Nghiên cứu hiệu Quả sử dụng kháng Sinh dự phòng Trong mổ lấy Thai tại Bệnh viện Bình An, Quảng Nam”. Tạp Chí Phụ sản 21 (3), 9-14, doi.org/10.46755/vjog.2023.3.1621.
4. Trần Thị Ngọc Hạnh (2019-2020), “Khảo sát kết quả sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai tại Bệnh viện Sản nhi Cà Mau”, Tạp chí Y học Cộng đồng 63, 10.52163/yhc.v63i8.528
5. Huỳnh Ngọc Phước và Bùi Chí Thương (2023), "Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ ở thai phụ mổ lấy thai chủ động được sử dụng kháng sinh dự phòng cefazolin tại bệnh viện nhân dân Gia Định", Tạp chí Y học Việt Nam. Tập 526, số 1B.
6. Nguyễn Thị Kim Thu và Nguyễn Thị Hương Ly (2021), "Đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ lấy thai tại Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108", tạp chí y Dược lâm sàng 108. Tập 16 - Số 4/2021.
7. American Society of Health-System Pharmacists (ASHP) (2014), "Clinical Practice Guidelines for Antimicrobial Prophylaxis in Surgery", tr. 734-819
8. World Health Organization (2018), "Global guidelines for the prevention of surgical site infection".