NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG Ở BỆNH NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP ĐƯỢC CAN THIỆP MẠCH VÀNH TRONG VÒNG 48 GIỜ ĐẦU

Nguyễn Thị Mai Ly1,, Dương Đình Qúy2,3, Bùi Khắc Cường2,4
1 Bệnh viện Quân y 103
2 Học viện quân y
3 Bệnh viện Quân y 4, Nghệ An
4 Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt - Đức (VG-CARE)

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp được can thiệp động mạch vành (ĐMV) trong 48 giờ đầu. Đối tượng và phương pháp:  tiến cứu, mô tả cắt ngang. 58 bệnh nhân được chẩn đoán NMCT cấp tại Viện tim mạch Việt Nam, được khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, được can thiệp ĐMV trong vòng 48 giờ. Kết quả: Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 67,53 ± 11,93 tuổi. Chủ yếu từ 50 tuổi trở lên (96,6%). Tỷ lệ bệnh nhân nam (60,3%) nhiều hơn bệnh nhân nữ (39,7%). Triệu chứng lâm sàng khó thở chủ yếu (75,9%), vả mồ hôi (60,3%), đau ngực điển hình (43,1%). Các giá trị trung bình của men tim tăng cao, đặc biệt là Troponin T (4513,55 ± 10160,47 ng/l). Tỷ lệ bệnh nhân NMCT cấp có giảm vận động vùng chiếm tỷ lệ cao nhất 29 BN (64,4%), tỷ lệ tổn thương cả 3 thân ĐMV cao nhất (51,7%), tỷ lệ can thiệp động mạch liên thất trước cao nhất (63,8%), tiếp theo là ĐMV phải (32,8%), động mạch mũ (20,7%), ĐM thân chung (15,5%). Kết luận: Bệnh nhân NMCT cấp có giảm vận động vùng chiếm tỷ lệ cao nhất, giá trị Troponin T tăng cao, và tổn thương cả 3 thân ĐMV chiếm tỷ lệ cao nhất.


Từ khoá: Lâm sàng, cận lâm sàng, nhồi máu cơ tim, can thiệp mạch vành.


SUMMARY


STUDY ON SOME CLINICAL AND PARACLINICAL CHARACTERISTICS IN PATIENTS WITH ACUTE MYOCARDIAL INFARCTION UNDERGOING CORONARY INTERVENTION WITHIN 48 HOURS


Aim: Describe the clinical and paraclinical characteristics in patients with acute myocardial infarction (AMI) undergoing coronary artery (CA) intervention within the first 48 hours. Subjects and Methods: Prospective, cross-sectional study on 58 patients diagnosed with AMI at the Vietnam Heart Institute. Patients underwent clinical examination and paraclinical tests, followed by CA intervention within 48 hours. Results: Average age of the cohort was 67.53 ± 11.93 years; mostly 50 years and older (96.6%). Proportion of males (60.3%) was higher compared to females (39.7%). Main clinical symptoms were shortness of breath (75.9%), sweating (60.3%), typical chest pain (43.1%). Average levels of cardiac enzymes were elevated, especially Troponin T (4513.55 ± 10160.47 ng/l). The rate of AMI patients with regional hypokinesia was the highest at 29 patients (64.4%), the rate of lesions in all 3 coronary arteries was the highest (51.7%), the rate of anterior interventricular artery intervention was the highest (63.8%), followed by the right coronary artery (32.8%), circumflex artery (20.7%), and common main artery (15.5%). Conclusion: AMI patients with regional hypokinesia were the highest, Troponin T value ​​was increased, and lesions in all 3 coronary arteries accounted for the highest proportion.


Keywords: Clinical, paraclinical, myocardial infarction, coronary intervention.


 



  1. I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Nhồi máu cơ tim (NMCT) là một trong những thể lâm sàng của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ đang ngày càng trở nên phổ biến và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, đặc biệt ở các nước có nền kinh tế phát triển. NMCT xảy ra khi có một lượng bất kỳ cơ tim bị hoại tử, do hậu quả của thiếu máu cơ tim kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu của NMCT là do xơ vữa động mạch gây tắc hoặc hẹp một hay nhiều nhánh của động mạch vành (ĐMV) nuôi dưỡng vùng đó [1],[2]. Mặc dù có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng NMCT cấp vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng nguy hiểm luôn đe dọa tính mạng của người bệnh, tỷ lệ tử vong cao [3].


Hằng năm ở Mỹ có hơn một triệu người nhập viện vì NMCT cấp và có khoảng hơn 300,000 người tử vong trước khi nhập viện, cứ mỗi 25 giây có một người Mỹ chết vì NMCT cấp, tỷ lệ tử vong của NMCT cấp khoảng 30%, trong đó hơn một nửa tử vong trước khi nhập viện [4],[5]. Ở Việt Nam, số bệnh nhân NMCT có xu hướng tăng nhanh. Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do NMCT cấp. Sự ra đời của đơn vị cấp cứu mạch vành (CCU) đầu những năm 60 và tiếp đến những thuốc điều trị tiêu sợi huyết những năm 80 và hiện nay là can thiệp ĐMV cấp cứu và những tiến bộ về các thuốc phối hợp cấp cứu đã làm cho tỉ lệ tử vong do NMCT cấp trên thế giới hiện nay giảm xuống còn dưới 7% so với trước đây là trên 30% [6].


Phân loại NMCT cấp có nhiều cách, trong đó có cách phân loại theo vị trí vùng cơ tim bị nhồi máu. Nhiều nghiên cứu đã nhận thấy vị trí vùng cơ tim bị nhồi máu, do sự khác biệt ĐMV thủ phạm bị tổn thương và vùng cơ tim bị tổn thương đã đưa đến sự khác biệt trong bệnh cảnh lâm sàng, rối loạn huyết động, rối loạn nhịp tim, các biến đổi trên điện tim đồ, siêu âm. Vì vậy chúng tôi nghiên cứu đề tài với mục tiêu khảo sát một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân NMCT cấp được can thiệp ĐMV trong vòng 48 giờ đầu tại Viện Tim Mạch Việt Nam.


 

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. European Society of Cardiology (2000) "American College of Cardiology Myocardial infarction redefined—a consensus document of The Joint European Society of Cardiology/American College of Cardiology Committee for the redefinition of myocardial infarction". Eur Heart J, 21, 1502-1513.
2. Scalone G, Brugaletta S, Gómez-Monterrosas O. et al (2015) "ST-Segment Elevation Myocardial Infarction". Circulation Journal, 79 (2), 263-270.
3. Thạch Nguyễn, Michael Gibson, Borce Petrovski. et al (2007) “Nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên”. Một số vấn đề cập nhật trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch., NXB Y Học, tr.31-70.
4. Vũ Đình Huy, Richard CP (2000) “Nhồi máu cơ tim cấp”. Các Nguyên Lý Y Học Nội Khoa Harrison, tập 3 (NXB Y Học), tr. 1952-1971.
5. Yasuda S and Shimokawa H (2009) "Acute myocardial infarction". Circulation Journal, 73 (11), 2000-2008.
6. Nguyễn Lân Việt (2014) "Nhồi máu cơ tim cấp". Thực hành bệnh tim mạch, 20-34.
7. Nguyễn Huy Lợi, Phạm Mạnh Hùng, Dương Đình Chỉnh (2023), "Thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả can thiệp động mạch vành qua da cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An", Tạp chí Nghiên cứu Y học, 162 (1), tr. 237-246.
8. Ngô Đức Kỷ, Nguyễn Huy Lợi, Trần Thị Anh Thơ, và CS (2021), "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên có can thiệp động mạch vành qua da thì đầu ở Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An", Tạp chí Y học Việt Nam, 503 (2), tr. 243-246.
9. Phạm Mạnh Hùng, Đào Trọng Thành, Nguyễn Ngọc Quang (2010) "Nghiên cứu tính khả thi và hiệu quả của can thiệp động mạch vành qua đường động mạch quay ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp". Tạp chí Tim Mạch Học Việt Nam, số 52, 36-44.
10. Đặng Văn Minh, Vũ Điện Biên, Nguyễn Ngọc Quang, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Thị Lan Hương (2023) "Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tính chất tổn thương động mạch vành ở bệnh nhân ≥ 75 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên". Tạp chí Y học Việt Nam, 539 (1b), tr. 233-237.